Đà Nẵng bảo vệ người bán dâm ra sao?

TP - Quyết định số 1010/QĐ-UBND cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội của UBND thành phố Đà Nẵng vừa có hiệu lực cách đây vài ngày. Đây được coi là chiếc “phao” cứu cánh, chăm sóc, bảo vệ người bán dâm đầu tiên trên cả nước.
Các cô gái mại dâm tại Đà Nẵng.

Xoay quanh vấn đề này, Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Hiệp,  Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng.

Thưa ông, căn cứ vào cơ sở nào để Đà Nẵng ra quyết định tiếp nhận người bán dâm vào cơ sở bảo trợ xã hội?

Phải thừa nhận rằng, trên địa bàn thành phố vẫn còn khá nhiều đối tượng bán dâm, lực lượng chức năng không thể thống kê con số chính xác vì họ hoạt động nay đây mai đó, số lượng biến đổi liên tục. Tuy nhiên, trong số họ có những người bị lôi cuốn, dụ dỗ, cưỡng ép, khống chế phải bán dâm chứ không phải do họ tự nguyện hành nghề, vì vậy cần phải có một biện pháp khẩn cấp để bảo vệ, chăm sóc họ.

Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn với việc bị xử lý hành chính khi tiếp nhận chị em bị lôi kéo bán dâm vào cơ sở bảo trợ xã hội, thành phố cho rằng cần phải ra một quyết định giấy trắng mực đen rạch ròi, quy đinh rõ ràng đối tượng tiếp nhận, thời gian, nội dung chăm sóc bảo vệ... Đó cũng là cơ sở để chị em khi bước vào cơ sở bảo trợ xã hội bớt mặc cảm hơn.

Làm sao để xác minh được họ là người bị lôi kéo, cưỡng ép bán dâm?

Có hai cách. Thứ nhất, là qua tinh thần tự nguyện trình báo của đối tượng. Nếu họ tìm tới các cơ quan chức năng khai báo và chứng minh rằng mình bị các đối tượng khác lôi kéo, khống chế phải hành nghề thì cơ quan sẽ xác minh lại, nếu đúng sẽ tiến hành tiếp nhận  vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Thứ hai, là qua các cuộc truy quét mại dâm hoặc điều tra các vụ việc liên quan đến mại dâm sẽ lộ ra những đối tượng bị lôi kéo, dụ dỗ bán dâm. Và tôi cũng nhấn mạnh rằng, việc tiếp nhận đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội không bị coi là xử lý vi phạm hành chính.

Thưa ông, theo quyết định, thời gian chăm sóc, bảo vệ đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) không quá 3 tháng, tại sao không phải là một thời gian ngắn hơn hay dài hơn. Và trong khoảng thời gian đó cơ sở sẽ làm những gì để giúp đỡ họ?

ông Nguyễn Hùng Hiệp,  Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng.

Phần lớn những đối tượng bán dâm đều không có hộ khẩu, người thân thích tại địa bàn, thường cư trú nay đây mai đó nên tiếp nhận họ vào cơ sở bảo trợ xã hội trước hết là cho họ một nơi trú ngụ ổn định, an toàn. Chúng tôi cho rằng khoảng thời gian 3 tháng là phù hợp cho họ an tâm sống và sinh hoạt tại đây, mặt khác đủ để chúng tôi tiến hành xác minh thân nhân để bàn giao hoặc nơi họ có thể về hòa nhập sau này.

Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng cứng nhắc ở xong ba tháng là phải đi. Những trường hợp được đào tạo nghề ngắn hạn tại cơ sở thì được gia hạn đến hết thời gian đào tạo nghề, và trường hợp không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu sống tại cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được xem xét tiếp nhận.

Trong thời gian lưu lại cơ sở bảo trợ xã hội, mọi hành vi xúc phạm đến tinh thần, nhân phẩm, thân thể của đối tượng đều bị nghiêm cấm. Đồng thời ngăn chặn tất cả các “thế lực” có ý định dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng ra khỏi cơ sở khi chưa được người có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, các đối tượng đều được chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh xã hội, tư vấn tâm lý, giáo dục đạo đức, pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề…

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một quyết định nhân văn của Đà Nẵng. Vậy ngoài biện pháp tiếp nhận và hỗ trợ như trên, thì trong trường hợp cấp bách bị dụ dỗ, cưỡng ép bán dâm chị em có thể liên hệ “nóng” tới cơ sở để được hỗ trợ khẩn cấp không?

Từ khi quyết định có hiệu lực, tất cả chị em phụ nữ bị dụ dỗ, cưỡng ép bán dâm trên địa bàn đã có một địa chỉ có thể bảo trợ cho mình. Ở đó họ được chăm sóc, bảo vệ, động viên tinh thần, trong một mái nhà an toàn của họ. Tuy nhiên cơ sở bảo trợ xã hội không trực tiếp giải quyết các trường hợp khẩn cấp và tiếp nhận ngay, mà cần phải qua xác minh đúng đối tượng. Vì vậy, trong tình huống người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục, bị các đối tượng khác bắt ép bán dâm…cần đươc hỗ trợ khẩn cấp có thể liên hệ tới các Phòng LĐ-TB&XH gần nhất, Chi cục Phòng chống TNXH hoặc cơ quan công an địa phương.

Xin cám ơn ông. 

Cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; Đông Bắc 913 người; Bắc Trung bộ 887 người; Đông Nam bộ 3.200 người... Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình.                

Thành Nam