Có vẻ thương hiệu Future Traditions của chị vẫn xa lạ với giới thời trang Việt?
Đúng thế. Tôi thường giới thiệu thiết kế của mình qua web, Facebook, không gian nghệ thuật Manzi (quán café dành cho người yêu nghệ thuật ở Hà Nội) là chính. Hàng thì bán ngoài cửa hiệu chung với nhãn khác hoặc tại showroom gác mái của Hanoi Cooking Centre. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài sống tại Việt Nam. Gần đây cũng có một số người Việt mua. Tôi cũng tính nhắm tới đối tượng khách du lịch nên mang hàng vào tận Huế, bán ở khách sạn. Bán được.
Chị đã bắt được “gu” của nhiều người?
Tôi hướng về trang phục có thể mặc hằng ngày nên kiểu dáng thì bình thường, chỉ đồ đính kèm là bất bình thường - cười - đúng hơn là khác biệt. Cái khác biệt ấy không phải từ tôi mà từ bà con dân tộc miền núi phía Bắc.
Tôi sống trong môi trường thời trang từ nhỏ vì mẹ tôi cũng là một nhà thiết kế. Bà thiên về các hoa văn, họa tiết nên tôi cũng vậy. Sang Việt Nam, tôi lại bị mê hoặc bởi họa tiết, hoa văn của người Việt, đặc biệt là người Mông, người Dao. Họ đưa các họa tiết rất đời, con người, ngôi nhà, trẻ con lên áo quần. Họ mang cuộc sống vào chất liệu vải, họa tiết vải. Nhìn trang phục, ta biết ngay họ là người Mông hay người Dao. Vì thế tôi chợt nghĩ tại sao không lấy thổ cẩm (băng đô, dải hoa văn) gắn lên trang phục người Kinh?
Để độc và lạ, và bán được nhiều hàng?
Mục đích của tôi là thương mại mà (lại cười) - Tôi đang cộng tác với một người Dao sống gần Sa Pa. Người ấy giúp sưu tầm nguyên liệu thiết kế, từ nhiều nơi như Mai Châu, Bắc Hà, Sa Pa… Tôi cần thứ nguyên liệu truyền thống do chính tay bà con làm.
Người dân tộc sống gần biên giới. Hàng hóa, kể cả thổ cẩm, dễ mua với giá rẻ. Trong khi đó, nếu tự làm ra một tấm vải mất rất nhiều thời gian và công sức. Tôi sợ đến ngày nào đó chẳng còn ai muốn làm nữa. Tuy nhiên, có đặt hàng thì họ làm nhiệt tình. Công ty còn nhỏ chỉ đặt được một vài người. Nếu làm thương mại thành công, tôi có thể mua của nhiều người hơn. Sẽ nhiều người quay lại dệt thổ cẩm hơn.
Bên cạnh trang phục, chị còn làm cả trang sức?
Anh có nghe chuyện những con tàu thời xưa bị đắm ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi? Tôi tới tìm hiểu và mua được khá nhiều mảnh gốm cổ. Làm cho mình rồi làm để bán cho khách. Tôi thích đeo vì nó mang ý nghĩa truyền thống.
Tôi hay để ý người khác ăn mặc như thế nào. Ăn mặc nói lên thân thế, ví dụ như vua thì mặc áo vua (long bào), và tính cách của con người. Nó thể hiện một thứ văn hóa vô hình mà mình có thể cảm nhận được.
Thế chị thấy người Việt chúng tôi ăn mặc thế nào?
Tôi không nói đâu. Nhưng tôi thích người Việt, thích Việt Nam. Tôi ở đây 6 năm rồi, đi cũng gần khắp nước Việt Nam rồi.
Khoan đã, chị mới làm thiết kế ở Việt Nam từ năm kia cơ mà?
À… Mục đích đầu tiên của tôi khi đến Hà Nội để giúp bạn hoàn thành phần kết một bộ phim về Việt Nam. Đến đây, tôi tự nhiên muốn ở lại. Rồi tham gia dạy tại trường KOTO (trường từ thiện dành cho thanh thiếu niên đường phố và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn).
Còn sự nghiệp điện ảnh thì sao?
Ở bên Úc, tôi làm nhà sản xuất hoặc giám đốc nghệ thuật của một số bộ phim cả truyền hình lẫn điện ảnh. Nhưng phim tôi không nổi tiếng lắm đâu, chỉ được chiếu trong khu vực thôi.
Sang đây tôi cũng tham gia vài hoạt động cho đỡ nhớ nghề như lồng tiếng, lo phần âm thanh của mấy bộ phim chiếu trên truyền hình Hà Nội, VOV. Phim về Bảo tàng lịch sử hay phim làm với nghệ sĩ Lan Hương…
Thời “phim ảnh” của Cynthia Mann
Cynthia từng tham gia sản xuất sê ri truyền hình châm biếm chính trị Rubbery Figures (1984-1990), phim truyền hình như Underbelly, Society Murders, Tripping Over…, các phim tài liệu Iraq My Country, Abortion và Brotherhood.
Đồng thời phụ trách phần âm thanh của một số tác phẩm điện ảnh khá đình đám tại châu Úc, điển hình là Meet Me in Miami (2005) hay Noise (2007).