Cứu sống bé trai bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ

TPO - Chiều nay (27/12), Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng) cho hay vừa chữa trị thành công cho một bệnh nhân nhi bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ.
Sau 6g phẫu thuật liên tục, các bác sĩ đã cứu được bé trai bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Theo đó, ngày 30/11, Khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhi Nguyễn Lê Hoàng A. (12 tuổi, trú Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng ngực trái đau dữ dội, khó thở và bị ngất. Em được chẩn đoán vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A. Gia đình em cho hay, A. Bị bệnh tim bẩm sinh đã đi khám tại nhiều trung tâm y tế khác nhau, tuy nhiên do tính chất phức tạp và độ rủi ro cao, gia đình vẫn chưa quyết định cho em được phẫu thuật để điều trị dứt điểm. 

Trưa ngày 30/11, khi đang sinh hoạt A. đột ngột bị đau ngực trái, khó thở và ngất. Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, A. lúc mê lúc tỉnh, mệt mỏi, vã mồ hôi, môi và đầu chi tím. Các bác sĩ lập tức kiểm soát huyết áp tức thời nhằm hạn chế bóc tách lan rộng và nhận định đây là trường hợp cần được thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân. 

Sau 6 giờ liên tục bao gồm các công đoạn: thay đoạn động mạch phình, bảo tồn van động mạch chủ, tạo hình lại động mạch vành phải và cắm lại hai lỗ động mạch vành vào mạch nhân tạo, ca phẫu thuật nguy hiểm này đã thành công.

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa ngoại tim mạch lồng ngực, Đơn vị tim mạch – BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết sau phẫu thuật, mạch nhân tạo tương thích và hoạt động ổn định trong cơ thể, các hoạt động, chức năng của tim hồi phục tốt. Không có dấu hiệu nhiễm trùng hay xuất huyết trong, do đó bé trai đã được xuất viện vào ngày 27/12.

Được biết, phình tách động mạch chủ tuýp A là bệnh tim tiên lượng nặng, rất xấu, không được điều trị thì nguy cơ tử vong tăng 1% cho mỗi giờ trong vòng 72 giờ và hơn 90% trường hợp không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Đây là căn bệnh thường gặp ở người lớn, khi phẫu thuật phải thay một đoạn động mạch chủ đồng thời thay van động mạch chủ. Tuy nhiên đây là trường hợp trẻ nên cần phải bảo tồn van động mạch chủ.