Cung trầm làng Hành Thiện

TP - Nói tới làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) như một kiểu nhắc nhớ đến một địa linh từng giăng chật khoa bảng, danh nhân trong đó có dòng họ Đặng mà hậu duệ là cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh ở Hành Thiện.

Như một tổng phổ đồ sộ, sách báo, tài liệu trước nay viết về nguyên TBT Trường Chinh phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng nhất là vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh (1907-2017). Nhưng bên cạnh những cung bậc hoành tráng hình như vẫn thiếu, khuyết đi những bè trầm?

Kỳ I: Thông điệp của tiền nhân

Một sự kiện được ghi trong chính sử lẫn tộc phả họ Đặng vùng Can Lộc, Hà Tĩnh là việc Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh một ngày mùa đông năm 1975 (cụ thể là ngày 28/12) trong chuyến công tác tại Nghệ Tĩnh đã đến dâng hương tại nhà thờ danh nhân Đặng Tất và Đặng Dung tại xã Tùng Lộc huyện Can Lộc. Sự kiện đó được ghi lại trong bức ảnh hiện đang lưu tại Bảo tàng Nghệ An. Đó là bức ảnh ông Trường Chinh chụp với bà con quê Tùng Lộc trong đó có gia đình cụ tộc trưởng Đặng Đình Trác. Trong câu chuyện thân mật với dân làng, Chủ tịch Trường Chinh căn dặn đại ý, dân ta phải biết sử ta, con cháu nên biết tông chi họ hàng…

Có lẽ đến thời điểm đó và có sự kiện ấy, mới phát lộ danh nhân Đặng Tất, Đặng Dung quê gốc ở làng Đông Rạng, xã Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là viễn tổ của  ông Trường Chinh! Nhưng ít ai biết, việc ấy đã ghi cặn kẽ từ lâu. Trong “Hành Thiện hợp phả” của cụ Đặng Xuân Viện (thân phụ ông Trường Chinh) viết năm 1933 và “Đặng tộc phả chí thông khảo” của Thiếu Nam thì tổ họ Đặng làng Hành Thiện là danh tướng Đặng Tất.

Hẳn hậu thế đều tường, chính sử Đại Việt đã từng không ít những dòng bi hùng về 7 năm kháng chiến chống xâm lược giặc Minh thời hậu Trần dưới sự lãnh đạo của Giản Định đế tức Trần Ngỗi. Mà linh hồn của cuộc kháng chiến là anh hùng dân tộc, danh tướng Đặng Tất.

Xin vắn tắt.  Đặng Tất (1357 – 1409) quê ở Hà Tĩnh, chức quan nhỏ  dưới triều nhà Hồ. Nhà Minh xâm chiếm Đại Ngu, họ Hồ bại, người Chiêm tiến quân chiếm lại đất cũ Thăng Hoa, Đặng Tất xin với Trương Phụ cho mình cai quản Hóa Châu. Trương Phụ cho Đặng Tất làm Đại tri châu Hóa Châu (vùng Bình Trị Thiên), người Chiêm rút binh về.

 Trần Ngỗi khởi nghĩa chống giặc Minh, lập ra nhà Hậu Trần, xưng là Giản Định đế, khởi binh ở Ninh Bình mở nhiều trận đánh nhưng thất bại phải chạy vào Nghệ An. Đặng Tất nghe tin, liền giết quan nhà Minh ở Hóa Châu, đem quân ra theo Giản Định đế, được phong làm quốc công. Quân Hậu Trần có chủ tướng giỏi Đặng Tất tiến quân ra Bắc, thanh thế khá lớn đánh bại Mộc Thạnh ở trận Bô Cô. Mộc Thạnh phải chạy rút vào thành Cổ Lộng. Giản Định đế muốn tiến binh đuổi gấp, đánh Đông Quan, nhưng Đặng Tất thận trọng chủ trương tiêu diệt những kẻ còn sống sót và bao vây các thành. Tháng 2/1409, Giản Định đế nghe lời gièm pha, triệu Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến và giết chết 2 chủ tướng của cuộc kháng chiến.

Đặng Dung, con trai Đặng Tất, là một tướng giỏi nối chí cha phò Trần Quý Khoáng (Trùng Quang đế) tổ chức nhiều trận đánh khiến giặc Minh thất điên bát đảo. Nhưng do lực lượng quá chênh, các danh tướng của Trần Quý Khoáng là Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị (con Nguyễn Cảnh Chân) đã sa vào tay giặc và anh dũng tuẫn tiết. Trong di sản văn chương, Đặng Dung đã để lại cho hậu thế bài thơ Cảm hoài… danh tiếng có hai câu cuối. Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma (Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài dưới nguyệt đã bao đêm).

Đời sau còn bàn luận nhiều về việc bất đồng chiến thuật giữa vua Giản Định và Đặng Tất, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Đặng Tất.

Ngô Thì Sĩ nhận xét Đặng Tất là trí tướng. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông, thì người Minh cũng phải có phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta không có người tài. Tiếc thay! Vua Giản Định tự phá hủy bức trường thành của mình đó!”.

Bùi Dương Lịch thời Lê mạt than thở trong Nghệ An ký:

“Nhà Trần đã mất mà khôi phục được tông thống trong 7 năm, sự nghiệp oanh liệt của  Đặng Tất cùng trời đất bất hủ”.

Tiến sĩ đời Hậu  Lê  Dương Văn An viết trong Ô châu cận lục:

“Đặng Tất là bậc trung nghĩa, trí dũng song toàn, quả là nhân tài của thiên hạ chứ đâu phải nhân tài của riêng Ô châu này thôi đâu... Cái tiếc của Đặng Tất là vì những lời gièm pha như lưỡi gươm chí mạng khiến chí lớn không thành. Tuy nhiên cái chết của Đặng Tất đâu phải tội của ông mà chính là nỗi bất hạnh của nhà Hậu Trần vậy. Người quân tử đâu có lấy sự thành bại để đánh giá anh hùng”.

Trần Trọng Kim bàn trong Việt Nam sử lược:

Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1428, sau đại thắng quân Minh, Vua ban chiếu cho hai cha con  biển vàng tám chữ: “Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử”. Rồi Vua Lê Thánh Tông ban chiếu tặng hai cha con bằng vế đối lạ, hay:

Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ/

Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng

Một Trường Chinh yếu nhân cách mạng trong Hội nghị Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” 3/1945 và sớm bùng lên những tín hiệu khả quan trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận là do anh Trường Chinh”.

Rồi một Trường Chinh thời điểm cải cách ruộng đất. Tuy không trực tiếp và là người chịu trách nhiệm duy nhất về những sai lầm của cấp dưới, nhưng là người lãnh đạo cao nhất tất nhiên Tổng Bí thư Trường Chinh đã chủ động gánh phần nặng nhất. Tháng 9/1956,  trong Hội nghị Trung ương về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất, ông từ chức Tổng Bí thư. Sau đó lại cũng chính Trường Chinh đứng đầu chỉ đạo công tác sửa sai, cho đến năm 1958.

Một lãnh đạo Trường Chinh nhạy bén, thức thời

Một góc Hành Thiện.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghi trong hồi ức.

… Sáng ngày 12/7/1983, 5 chiếc xe ô tô xuất phát từ  TPHCM chạy thẳng hướng Đà Lạt. Sáng hôm sau, bắt đầu cuộc họp mà sau này được coi là “Sự kiện Đà Lạt – Cái mốc của công cuộc đổi mới”. Ba vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Trường Chinh, Đỗ Mười, Võ Chí Công chăm chú lắng nghe rất kỹ từng báo cáo của các lãnh đạo cơ sở dệt, bột giặt, thuốc lácủa thành phố diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16/7/1983. Chiều hôm đó, các đại diện cơ sở trở về TPHCM. Các đồng chí lãnh đạo thành phố tiếp tục ở lại báo cáo riêng với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đến chiều 18/3/1983, sau khi báo cáo xong, riêng tôi,  Bí thư Thành ủy còn ở lại làm việc riêng với 3 đồng chí trong Bộ Chính trị.

…Sau 1 tuần lắng nghe báo cáo của lãnh đạo TPHCM và các cơ sở, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (HĐNN) Trường Chinh yêu cầu thành phố tổ chức để tới thăm hàng loạt các nhà máy, đơn vị xé rào...Trong chuyến đi thăm và khảo sát thực tế này,  Chủ tịch HĐNN Trường Chinh nói nhỏ với Chủ tịch TPHCM Mai Chí Thọ rằng: “Hóa ra, ở Hà Nội, tôi toàn được nghe những thông tin sai lệch!”. “Sự kiện Đà Lạt” và chuyến đi thực tế của Chủ tịch Trường Chinh như một luồng gió mát xoa dịu nỗi ấm ức, bi quan của những đơn vị, những người xé rào, mà còn tạo tiền đề tối quan trọng cho công cuộc đổi mới của dân tộc và được Nghị quyết hóa trong Đại hội lần thứ VI của Đảng”.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đổi Mới đã ghi trong một bài viết.

Thời điểm chứng kiến đồng chí Trường Chinh chăm chú nghe lãnh đạo dệt, bột giặt, thuốc lá… báo cáo tình hình xé rào, khi đó, tôi cảm nhận là đồng chí đã bắt trúng mạch, bước đầu dò ra con bệnh và đang suy ngẫm tìm thuốc trị.

Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” - nói chính xác hơn là chủ biên của Đổi Mới lại là một người được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình…

GS Lê Văn Viện kể “Một buổi sáng cuối tháng 9/1986, tôi cùng đoàn cán bộ xuống nhà nghỉ Vạn Hoa - Đồ Sơn họp khẩn cấp với Tổng Bí thư Trường Chinh.

Có mặt ở cuộc họp này là toàn bộ tổ biên tập văn kiện Đại hội VI (do ông Hoàng Tùng làm tổ trưởng và Đào Duy Tùng làm tổ phó) cùng một số chuyên viên trong nhóm tư vấn của Tổng Bí thư. Chính tại đây, ông Trường Chinh tuyên bố: viết lại toàn bộ văn kiện đại hội!”.

Trong hồi ức của hai ông Đào Xuân Sâm, Nguyễn Đức Nguyên, thành viên nhóm cố vấn cho Trường Chinh ghi “giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm trọng. Các dự án kinh tế đầu tư khổng lồ đều không phát huy tác dụng. Nguyên vật liệu khan hiếm khiến các nhà máy sống thoi thóp. Lạm phát lên 300, 400, 500 và 700%... Lòng người từ trong đến ngoài Đảng, từ cơ sở đến trung ương hoang mang và loay hoay không biết lối ra. Tư tưởng chia hai hướng: xé rào để khắc phục khủng hoảng hoặc kiên định, triệt để áp dụng cơ chế kế hoạch, bao cấp. Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời. Đại hội Đảng VI chỉ còn tính từng ngày. Thế nhưng báo cáo chính trị gửi xuống đơn vị, cơ sở bị phản đối dữ dội vì mọi quan điểm, đường lối vẫn không có gì mới. Tức là hướng thoát khủng hoảng vẫn mịt mờ... Đồng chí Trường Chinh lúc đó được Đảng giao tạm thời giữ chức Tổng Bí thư. Ông đi đến một quyết định táo bạo, quyết đoán chưa từng có: viết lại toàn bộ báo cáo chính trị theo quan điểm: quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Chấp nhận hy sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm’’.    

_______________

Còn nữa

Ông  Đặng Việt Bích con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhớ lại “Thời điểm đó cha tôi chịu rất nhiều chỉ trích, chống đối, qui chụp của tư tưởng bảo thủ. Nhưng ông rất quyết đoán. Một buổi tối hai cha con ngồi xem tivi, một cán bộ Chính phủ xuất hiện bày tỏ quan điểm chống lại đổi mới. Ông cụ tôi nói ngay: phải thay vị trí này! Và lập tức ông thuyên chuyển công tác của vị đó, kèm theo hàng loạt nhân vật bảo thủ khác’’.