Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ III: Thực hư chuyện đấu tố

TP - Kỳ trước đang nói về bức hoành Âm Kỳ Ngọc - thiêng, lành thay tiếng ngọc! Quả khác xa và khó có chút gì na ná với các chữ Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn… nhan nhản do các ông đồ trẻ sản xuất hàng loạt tại Miếu Văn.
Cụ Đặng Xuân Viện (thứ ba từ phải qua), thân sinh ông Trường Chinh, chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ

Người xưa thường ví,  thứ ngọc quý có thể phát sinh ra năng lượng, khi chạm nhau, ngọc phát ra thứ âm thanh như châu gieo, thoa ném rổn rảng, sinh sắc… Lại nữa, phần câu đối bên dưới rất xứng, ứng với bức hoành Âm kỳ ngọc. Chừng như hơi ấm cùng âm thanh của thứ ngọc lành từ bức hoành đang lan tỏa, cộng sinh xuống hai vế đối phía dưới. Mạo muội biên ra đây để mọi người cùng thưởng lãm cũng như chỉ giáo cho.

Nhân tại bách xích lâu phiêu nhiên quá vân lộ phủ thương mang biệt sinh kỳ tưởng

Hung đôi sổ vạn quyển, thời hoặc đăng tao đàn liệt kỳ cổ túc trương ngô quân

(Trên lầu cao trăm thước, thoắt nhẹ nhảy đường mây nhìn non nước bỗng khởi sinh tư tưởng lạ / Nhà dài chứa vạn sách có lúc bước tới chốn Tao đàn, bày cờ trống biểu dương thanh thế.

Tư tưởng lạ phải chăng nhắc đến cái chí của cụ Đặng Xuân Viện, thân sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh, cùng đồng chí của mình trong Đông Kinh Nghĩa Thục?

Nhà dài chứa vạn sách. Cụm từ ấy chả phải ước lệ mà có  ý nhắc đến cái thư viện được coi là lớn nhất Bắc Kỳ thời điểm đó của cụ Đặng Xuân Bảng. Nhà sách ấy sau này không ngừng được bổ sung, nhất là dưới thời ông Đặng Xuân Viện.

Hoành cùng đối tặng cho chủ nhân, cả hai cha con đều hợp!

Nghĩ cũng hơi lạ về dòng lạc khoản.  Trọng đông Canh thân,  hiệu Hải Liễu Vân Tiều tặng ( Mùa đông Canh thân- 1920- Hiệu hải Liễu Vân Tiều tặng) Hải Liễu Vân Tiều, nghe nói là một cửa hiệu nổi tiếng ở Hà thành chuyên chế các loại chất liệu mỹ nghệ thư pháp tặng cụ Đặng Xuân Viện chứ không phải là bút hiệu của tác giả nào?

Còn nữa, kế gian giữa mạn Bắc, rơ rỡ bức hoành Tiên Quận Đằng Phương cũng chả phải là thứ chữ thường! Tạm hiểu là tiếng thơm nơi tiên quận. Quận là danh từ, địa danh. Quận nào vậy? Cụ Đặng Xuân Viện từng tòng sự với chức quan nhỏ ( thừa phái) ở vùng Tiên Xá của đất Tiên Lữ, Hưng Yên nên được  bản chức vùng đó tặng cho bức hoành cùng vế đối. Có thể suy vậy vì căn cứ vào dòng lạc khoản  Mùa đông năm Nhâm Tuất (1922) Lý trưởng và Phó Lý Tiên Xá quận Tiên Lữ kính tặng. Có thể nói bức hoành đây khá bắt mắt. Hàng bao năm, sắc màu cùng ngữ, nghĩa cứ rờ rỡ.  Bắt mắt nhưng bức hoành chỉ hạp với gia cảnh, khí chất của chủ nhân. Bởi chẳng thể rinh đi treo ở nhà ai đó được?

Còn vế đối ghi gì? Cựu đức phương ư đằng các thụ/ Thi tài thanh tự lục giang ba (Đức cũ thơm tho như cây đằng cây các /Tài thơ trong sáng như sóng Lục giang) Ý chừng ca ngợi tài đức của chủ nhân Đặng Xuân Viện? Chợt giật mình bởi từng định kiến rằng, đám lý trưởng, phó lý thời phong kiến đế quốc chỉ biết nạt nộ, đánh chén vậy mà  đã nghĩ ra cái thứ tao nhã thế kia!

Một câu đối nữa của Tòa báo Đông Pháp tặng cụ Viện. Cứ như một lời chúc tinh tế Diễn đàn tảo chủng văn minh quả/Từ uyển liên đề giáp Ất hoa (Trên diễn đàn sớm kết quả văn minh/ Nơi từ uyển liền tên hoa Ất, Giáp)

Ngược thời gian, thời điểm báo Đông Pháp tặng bức hoành cùng câu đối cho cụ Viễn là cái năm ông chủ bút Nguyễn Kim Đính phải bán tờ báo lại cho ông Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ người có quốc tịch Pháp, cha làm thông ngôn cho triều đình Huế, mẹ là một quận chúa. Ông Diệp Văn Kỳ chắc cũng có mối giao du với các nhân sĩ Bắc Kỳ trong đó có cụ Viện?

Đông Pháp Thời Báo cũng đổi ngày ra báo (các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy) và cho ra các phụ trương Thể thao, Phụ nữ, Trẻ em, Văn chương. 

Ông Kỳ còn mời thêm các cây bút tên tuổi ngoài Bắc như  Tản Đà, Ngô Tất Tố vào Nam để tăng cường cho ban biên tập báo.

Bức hoành Âm Kỳ Ngọc. Ảnh: Xuân Tùng

Thôi có lẽ khỏi phải biên chép, liệt kê thêm! Bấy nhiêu thứ của nổi lưu giữ trong nhà mà cụ Đặng Xuân Bảng làm cho con Đặng Xuân Viện tại làng Hành Thiện cũng là quá đủ, quá thừa nếu có một cuộc đấu tố quy kết thành những địa chủ thường, ác bá, cường hào… trong thời điểm cơn lốc của cải cách ruộng đất.

Thế nhưng qua dày công tìm hiểu, tôi chưa gặp một ai hay người nào thốt ra dù xa xôi bóng gió việc song thân ông Trường Chinh bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Rùng mình gẫm lại những đồn thổi trước, nay, và cả những chi tiết rùng mình sởn gai ốc trong những biên chép vô tội vạ trên báo mạng. 

Nào là, đương đêm, thân phụ ông Trường Chinh phải bí mật trốn lên Hà Nội với con trai để tránh cuộc đấu tố(!?) Hoặc  thời điểm cuộc đấu tố dưới Hành Thiện diễn ra khốc liệt, đội cải cách đang buộc tội bố, mẹ của ông Trường Chinh thì có lệnh từ trên đình lại. 

Và giật gân hơn, lãnh tụ Trường Chinh tiên phong gương mẫu quyết liệt trong cuộc đấu tranh giai cấp đã chỉ đạo cho đội cải cách mang chính song thân của mình ra đấu tố! vv… và vv…

Những chuyện đồn thổi đầy hơi hướng  ác ý.  Buồn thay nó chỉ xuất phát ở một phía, với thông tin khó có thể kiểm chứng? Đâu là nơi nuôi dưỡng, dung chứa, phát tán sự đồn thổi ấy? Mà cũng lạ cho sự im lặng không thèm chấp ngần ấy năm…

Các nhân chứng, chứng cứ rằng không hề có cuộc đấu tố nào với gia đình ông Trường Chinh thì nhiều, nhiều lắm.

Nhân chứng đầu tiên có lẽ là người đương trông coi khu lưu niệm, ông Nguyễn Viết Điền. Ông Điền cười, nếu cứ như những đồn thổi thì các anh xem,  rất đơn giản là những hoành phi cùng câu đối kia trong nhà cụ Viện và sau này là nhà ông Trường Chinh, đâu có còn nguyên vẹn? 

Thời ấy có nhiều gia thế máu mặt vướng vào đấu tố, gia sản sạch bách vì chia quả thực cho bần cố nông trong đó chả ít những hoành phi câu đối. Người ta mang làm cửa, cầu ao, bàn ghế, thưng chuồng lợn, chuồng bò. Ai may tẩu tán được thì quẳng xuống ao sau này yên hàn mới mò vớt. Nhưng ngôi nhà cụ Viện cùng vật dụng này đã  được yên hàn qua đợt cải cách.

Nghe chuyện, thầm nghĩ chữ trên đại tự câu đối, rằng hay thì thật là hay nhưng tự thân chữ đâu có phải là thứ thiêng, thứ bùa yểm ? Hẳn phải có sự ảnh hưởng vô hình lẫn hữu hình nào đó?

Phát sinh những sự đồn thổi thuận, nghịch là có nguyên do của nó?

Trong câu chuyện dài sau này với Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải đương kim Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cháu gọi ông Trường Chinh bằng bác ruột, ông Hải khẳng định song thân cụ Trường Chinh không bị đấu tố! Nhưng ông Hải cũng băn khoăn rằng, có lẽ do người nhà của ông Trường Chinh bị đấu mà người ta đã suy diễn? Hoặc đã hiểu nhầm? Và cả những suy diễn ác ý?

Liễn đối báo Đông pháp tặng.

Cụ Đặng Xuân Viện  có người anh ruột tên là Đặng Xuân Mậu. Cụ còn có tên là ông Hai Thêm mà ông Trường Chinh gọi là bác ruột. Có lẽ là con trai thứ hai cụ Bảng nên có tên là ông Hai? Như các người con trai của cụ Bảng, ông Hai cũng được học hành cẩn thận nhưng không thi cử đỗ đạt gì. Gia đình có máu mặt có bát ăn bát để, cụ Đặng Xuân Mậu dễ dàng trở thành đối tượng của đợt cải cách ruộng đất. 


Cụ bị đem đấu tố. Dài mãi những ngày đấu tố vu khống như thế, một nhà nho một người có học như cụ Mậu coi đó là sự xúc phạm, tổn thương ghê gớm. Chắc những ngày bi đát ấy cụ nghĩ nhiều về người con trai Đặng Xuân Khang tham gia Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu kháng chiến, từng dự nhiều trận đánh ác liệt trong đó có trận Điện Biên Phủ… Một đêm không kìm giữ, kiểm soát được mình, cụ Mậu đã quá uất ức tìm đến cái chết!

Một ngày thanh bình, anh chiến sĩ vệ quốc đoàn Đặng Xuân Khang về thăm quê Hành Thiện. Quá bất ngờ và anh chỉ biết lặng phắc đau đớn trước mộ người cha. Mọi sự đã nhỡ, đã quá muộn mất rồi.  Khoác ba lô trở về đơn vị, chắc  anh cũng có chút an ủi rằng, gia đình mình đã được sửa sai đã cởi cái án oan địa chủ. 

Rồi những năm tháng rèn luyện học hành để sau này Đặng Xuân Khang trở thành một sĩ quan của quân chủng Phòng không - Không quân. Trong một trận  ác liệt đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng năm 1965, sĩ quan Đặng Xuân Khang đã anh dũng hy sinh.  

Tôi đã ngồi với bác sĩ Đặng Xuân Phương con trai liệt sĩ Đặng Xuân Khang, một thầy thuốc giỏi ở Viện Quân y 108. Bác sĩ Phương đã nghỉ hưu và có một phòng mạch tư luôn đông, chật bệnh nhân. Cũng như Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, người cháu nội cụ Mậu ít muốn nhắc lại và chỉ muốn quên đi một quá vãng buồn thương, khó nói ấy…

Khó tưởng tượng ra cái thời buổi đảo điên, có anh cố nông áo ôm khố rách từng được gia đình cụ cưu mang rau cháo, làm rẽ, cấy thuê nhưng bị cán bộ Đội cải cách vận động tỉ tê đã tráo trở dám chỉ mặt ân nhân mình mà vu khống tố cáo đủ điều bậy bạ.