Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vừa xác nhận một cậu bé 4 tuổi ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đã nhiễm chủng cúm gia cầm H3N8. Bệnh nhân từng tiếp xúc gần với gà và vịt trời mà gia đình nuôi, sau đó sốt vào ngày 5/4 rồi nhập viện hôm 10/4.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố, họ tin rằng virus cúm gia cầm H3N8 chưa có khả năng lây nhiễm sang người một cách dễ dàng, nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng là thấp. Những người tiếp xúc gần với cậu bé 4 tuổi đã được xét nghiệm H3N8 và đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ông Ian Mackay, nhà virus học tại Đại học Queensland (Úc), nói: “Những trường hợp đầu tiên mắc bệnh cần được xử lý một cách triệt để, toàn diện với việc xét nghiệm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân để đảm bảo bệnh không lây lan”. Ông Mackay cho rằng, việc lây nhiễm virus cúm gia cầm có thể tiếp tục xảy ra “trong khi chúng ta sống rất gần các vật chủ chứa virus”.
Tỷ lệ lây truyền từ động vật sang người được dự đoán sẽ tăng lên khi con người xâm phạm sâu hơn vào môi trường sống tự nhiên của các loài mang bệnh. Các nghiên cứu gần đây gợi ý rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tỷ lệ con người mắc bệnh động vật.
Nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau xuất hiện ở Trung Quốc và một số lây nhiễm không thường xuyên ở người, thường là những người làm việc với gia cầm. Năm ngoái, Trung Quốc báo cáo trường hợp nhiễm cúm gia cầm H10N3 đầu tiên trên người.
Nguy cơ virus trộn lẫn và đột biến
Trung Quốc có nhiều loài gia cầm nuôi và chim hoang dã với số lượng lớn, tạo ra môi trường lý tưởng cho các loại virus gia cầm trộn lẫn và đột biến. Việc giám sát dịch cúm gia cầm ở người ngày càng tăng cũng có nghĩa là có thêm nhiều ca nhiễm bệnh được phát hiện, Reuters đưa tin ngày 26/4.
Trước đây, H3N8 chưa được phát hiện ở người, nhưng chủng cúm này đã gây bệnh cho chim, ngựa, chó và hải cẩu. Một số nghiên cứu đã liên hệ đại dịch cúm năm 1889 ở Nga với chủng virus H3N8, nhưng điều này chưa bao giờ được chứng minh.
Từ năm 2011 tới năm 2012, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã phân tích chủng virus cúm H3N8 có liên quan đến cái chết của hải cẩu con ở khu vực New England năm 2011. Họ phát hiện ra rằng, H3N8 có nguồn gốc từ gia cầm, chim và đã thích nghi với động vật có vú, báo hiệu một mối đe dọa có thể xảy ra đối với con người và động vật.
Kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2012 trên mBio, tạp chí trực tuyến của Hiệp hội Vi sinh vật học Mỹ (ASM), đột biến đã xảy ra, giúp virus cúm dễ lây lan hơn và có thể gây ra bệnh nặng.
Tháng 12/2011, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia của Mỹ (NOAA) thông báo, một cuộc điều tra về 162 con hải cẩu chết đã phát hiện ra virus H3N8 trong tất cả 5 mẫu được nghiên cứu. Lần đầu tiên chủng virus này liên quan tỷ lệ tử vong trên quy mô lớn ở động vật có vú ở biển.
Viêm phổi nặng, tổn thương da
Các tác giả nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ NOAA, Đại học Columbia, và một số tổ chức khác. Những con hải cẩu nhiễm H3N8 bị viêm phổi nặng và bị tổn thương da, và hầu hết chúng đều dưới 6 tháng tuổi.
H3N8 thường có ở các loài chim hoang dã, nhưng vào năm 2005, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một chủng virus đã lây từ ngựa sang chó. Bệnh ở chó thường nhẹ và không gây nguy hiểm cho con người.
Phân tích di truyền và phát sinh loài đối với các mẫu từ hải cẩu cho thấy virus này là một phân nhóm của cúm gia cầm H3N8 tương tự loại đã lây nhiễm cho loài thủy cầm Bắc Mỹ từ năm 2002, nhưng đã thích nghi với động vật có vú với các đột biến khiến nó dễ lây lan, dễ gây bệnh hơn.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, virus H3N8 ở hải cẩu có khả năng liên kết các thụ thể axit sialic thường thấy ở đường hô hấp của động vật có vú. Họ kết luận rằng, sự xuất hiện tự nhiên của một loại virus gây bệnh có thể lây truyền giữa các loài động vật có vú và một loài có thể nhiễm nhiều phân nhóm cúm. Đây được coi là mối đe dọa đáng kể đối với động vật hoang dã và sức khỏe con người.
Bà Anne Moscona, giáo sư vi sinh vật học và nhi khoa tại Đại học Y Weill Cornell, người đã biên tập báo cáo cho mBio, nói rằng, chủng virus H3N8 có thể truyền từ động vật này sang động vật khác, và đặc điểm này khiến nó trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với con người.
Năm 2009, sự xuất hiện của chủng virus mới H1N1 (ở chim, lợn và người) tại biên giới Mỹ-Mexico đã gây ngạc nhiên cho các chuyên gia y tế toàn cầu. Trước đó, họ dự đoán đại dịch cúm tiếp theo sẽ xuất hiện từ một quốc gia như Indonesia - nơi có dịch cúm gia cầm H5N1.