Cửa xuất ngoại hẹp dần

TP - Trong khi “nút thắt” Hàn Quốc chưa gỡ khiến cả vạn lao động ngày đêm lo lắng thì một loạt thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam như: Malaysia, UAE, Ả rập Xê Út... cũng đang tiếp nhận nhỏ giọt.

> Xuống đáy biển cùng cựu binh tàu không số
> Gọt chân cho vừa giầy
> Phải biết sợ bẩn

Cửa xuất ngoại của lao động Việt Nam đang bị thu hẹp nhưng bộ chủ quản vẫn đang loay hoay chưa biết phải tháo gỡ thế nào. Bao năm nay vẫn vậy!

Ngày 5/4, khi bị người dân hỏi dồn tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng LĐ-TB&XH thừa nhận: Nếu nhìn thời điểm hiện tại, từ nay đến 2015, phấn đấu đưa mỗi năm 100 nghìn LĐ đi làm việc ở nước ngoài là rất khó khăn.

Không khó khăn sao được khi trong nước, các doanh nghiệp XKLĐ uy tín đang dần chuyển hướng kinh doanh, số còn lại làm ăn chụp giật, bán giấy phép và số khác thì đang ngắc ngoải. Hiện nay, dù Bộ LĐ-TB&XH đang rất nỗ lực để đưa y tá, điều dưỡng sang Đức và Nhật làm việc, nhưng thử hỏi với số lượng 1 đến 2 trăm người/năm làm sao thỏa nhu cầu xuất ngoại của NLĐ.

Hàn Quốc đã dừng tiếp nhận lao động Việt Nam và chưa biết đến khi nào sẽ mở lại là bài học đau lòng đối với ngành LĐ-TB&XH. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, với những bất ổn hiện nay, không phải chỉ Hàn Quốc mà cánh cửa sang Nhật Bản, Đài Loan cũng có thể khép lại với NLĐ Việt Nam bất cứ lúc nào.

Đã đến lúc, Bộ LĐ-TB&XH cần phải xốc lại hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ. Xem trong số hơn 160 doanh nghiệp có giấy phép ai còn, ai mất, sức khỏe của họ ra sao. Phải loại và rút giấy phép những doanh nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa để làm trong sạch thị trường, lấy lại lòng tin cho NLĐ.

Công tác đào tạo cần phải được chuẩn hóa để nâng cao ý thức cho NLĐ, tránh mang tiếng là nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất. Cùng với đó, phải xử phạt nghiêm những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, móc ngoặc với cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thu phí của NLĐ cao hơn quy định, tránh gây mất ổn định thị trường. Và hơn nữa là Bộ LĐ-TB&XH cũng cần sáng tạo hơn trong tìm giải pháp, chứ không chỉ đổ lỗi trách móc doanh nghiệp và NLĐ.

Hơn lúc nào hết, ngoài việc ổn định các thị trường truyền thống, việc Bộ LĐ-TB&XH cần phải làm ngay đó là mở thêm nhiều thị trường XKLĐ mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho NLĐ. Nếu không làm được việc đó, chắc chắn cánh cửa xuất ngoại sẽ hẹp dần đối với NLĐ Việt Nam.

Theo Báo giấy