Khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng là lúc TPHCM xuất hiện những ca bệnh đầu tiên trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. Sau giải mã trình tự gen, các biến chủng Châu Phi, biến chủng Anh lần lượt được ghi nhận ở những ca bệnh có lịch sử từng di chuyển đến Hải Phòng hoặc chùm ca bệnh của quán bánh canh O Thanh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Nỗ lực khoanh vùng xét nghiệm dập dịch từng bước khống chế rất hiệu quả các chuỗi lây nhiễm trên. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, nỗi kinh hoàng mang tên biến chủng Ấn Độ (Delta) xuất hiện tại nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng trên địa bàn quận Gò Vấp, TPHCM.
Từ ổ dịch với số lượng rất ít những người tham gia sinh hoạt ở điểm nhóm truyền giáo, số ca bệnh bắt đầu lan nhanh trong cộng đồng, liên tiếp các chuỗi lây nhiễm được phát hiện có liên quan đến nhau hoặc những ổ dịch mới xuất hiện không xác định được nguồn lây nhiễm. Số ca bệnh bắt đầu tăng từ vài chục người lên hàng trăm ca dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận mỗi ngày.
Từ cuối tháng 5/2021, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh trên địa bàn TPHCM đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm, dịch có thể xuất hiện trong cộng đồng từ lâu, thấm sâu, lan rộng. Liên tiếp các nỗ lực khoanh vùng, điều tra truy vết, lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm PCR để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều trị kịp thời với nỗ lực dập dịch bảo vệ sức khỏe của cộng đồng đã bị biến chủng Delta “bẻ gãy”.
Hệ thống phòng ngự của lĩnh vực y tế dự phòng đã không thể thực hiện được mục tiêu “thần tốc” đi tắt đón đầu để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng cao, từ vài trăm bệnh nhân mỗi ngày lên vài nghìn mỗi ngày trong sự bất lực, kiệt sức của nhân viên y tế và các lực lượng tham gia ở tuyền đầu chống dịch. Áp lực bệnh nhân từ cộng đồng bắt đầu đè nặng lên hệ thống điều trị...
Để tránh nguy cơ lây nhiễm cho các nhóm bệnh nhân khác, các trung tâm cách ly tập trung của TPHCM và tại các quận huyện đã hoạt động hết công suất. Thời gian đầu, số ca bệnh trở nặng chưa nhiều nên các bệnh viện dã chiến được lập từ những đợt dịch trước tại Củ Chi, Cần Giờ cơ bản đáp ứng được việc thu dung, điều trị.
Khi bệnh nhân tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày kéo theo số ca bệnh nặng tăng nhanh, các bệnh viện tuyến quận huyện đã phải chuyển trạng thái sang hoạt động theo mô hình tách đôi (nửa điều trị COVID-19 nửa còn lại điều trị bệnh lý thông thường). Các bệnh viện tư cũng tham gia tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Hệ thống 16 bệnh viện dã chiến cùng các cơ sở điều trị với tổng công suất 50.000 bệnh nhân nhanh chóng rơi vào quá tải.
Khi các bệnh viện dã chiến, bệnh viện được phân theo 5 tầng điều trị từ mức độ có triệu chứng đến nặng và nguy kịch bị lấp đầy, ngành y tế đã quyết định cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, Bộ Y tế lập thêm 5 Bệnh viện và Trung tâm Hồi sức COVID-19 với quy mô 3.000 giường do các bệnh viện tuyến Trung ương chịu trách nhiệm chuyên môn, nhưng đưa vào hoạt động đến đâu thì quá tải xảy ra đến đó vì thiếu cả nhân sự và trang thiết bị.
Tính đến ngày 15/8/2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận 147.929 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 32.293 bệnh nhân đang điều trị. Chỉ riêng ngày 13/8 có tới 285 trường hợp tử vong vì COVID-19 được thống kê, và có thể số ca tử vong trên thực tế còn lớn hơn vì rất nhiều người tử vong ngoài cộng đồng.
Cuối tháng 7/2021, một bệnh nhân nam 28 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng rất nặng, phổi tổn thương, phải đặt ECMO. Tưởng như bệnh nhân không thể qua khỏi, nhưng sau khi được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và với nỗ lực điều trị của các bác sĩ, người bệnh đang từng bước vượt qua nguy kịch.
Một trường hợp khác là thai phụ 30 tuổi, mang song thai 25 tuần rơi vào tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương. Ngay khi nhận thông tin, các y bác sĩ hỏa tốc lên đường thực hiện ECMO và chuyển viện. Ngày 3/8, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ phối hợp với các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thực hiện cuộc mổ bắt con với hy vọng “còn nước còn tát”, nhưng đáng tiếc cả hai cháu bé lần lượt ra đi sau khi rời bụng mẹ. Hiện sản phụ đang được tiếp tục điều trị trong tình trạng nặng, các bác sĩ đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để giảm bớt đau thương...
Hiện số ca bệnh ở TPHCM cần nhập viện điều trị tăng cao nhưng khả năng thu dung, điều trị hạn chế đang khiến các bệnh viện quá tải nghiêm trọng. Những người đang phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, đuối sức nhất lúc này chính là các y bác sĩ.
Theo BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đến nay đã có hơn 900 y bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch, điều trị cho bệnh nhân bị mắc COVID-19. Ngoài những khó khăn vất vả trong công việc, các y bác sĩ còn đối mặt với những rủi ro rất lớn khi biến chủng Delta lây nhiễm rất cao. Lực lượng y tế đang nỗ lực làm việc bằng ý chí để giành giật sự sống cho bệnh nhân với mục tiêu cứu chữa được càng nhiều người bệnh càng tốt.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, nhiều nước mắt đã rơi. “Chúng tôi điều trị cho nhóm bệnh nhân là các thai phụ mắc COVID-19, người bình thường khi nhiễm bệnh đã mệt, thai phụ mắc COVID-19 rủi ro hơn nhiều lần. Các bác sĩ cùng lúc phải điều trị để giữ lại cho một bệnh nhân nhưng hai sinh mạng, có những bệnh nhân không thể qua khỏi nhưng nhiều em bé đã chào đời an toàn trong những giọt nước mắt hạnh phúc của chính người mẹ và nước mắt vui sướng của các y bác sĩ. Sự sống của bệnh nhân đang là động lực tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi chiến đấu với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh” – PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nói.
Bên cạnh những đau thương mất mát trong cuộc chiến, nỗ lực của các y bác sĩ đã mang lại sự sống và hạnh phúc cho nhiều người từng trong cơn thập tử nhất sinh. Tính đến ngày 15/8/2021, các bệnh viện trên toàn thành phố đã điều trị khỏi cho 70.727 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, có nhiều trường hợp nguy kịch, tưởng đã không qua khỏi. Nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi hiện đã tình nguyện tham gia vào hoạt động chống dịch, hỗ trợ các y bác sĩ trực tiếp chăm sóc cho F0 đang điều trị.
Bất chấp nỗ lực phòng chống của cả cộng đồng, dịch COVID-19 vẫn đang ngày càng nguy hiểm, số người mắc duy trì ở mức cao khiến các cơ sở thu dung, điều trị ngày càng quá tải. Hiện nay, bệnh nhân không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ đang cách ly, theo dõi tại nhà. Những trường hợp trở nặng, tử vong tại nhà vì không tiếp cận được dịch vụ y tế ngày càng nhiều.
Tính đến ngày 15/8, tại số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà ở TPHCM là 35.900 người. Trong đó có 11.444 trường hợp F0 mới và 24.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.056 người.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, với những trường hợp F0 đang theo dõi y tế tại nhà, Sở Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về các giải pháp chủ động chăm sóc, sử dụng thuốc cho từng trường hợp cụ thể. Thành phố đang chủ động tăng cường thêm xe cứu thương, tăng khả năng tiếp nhận cuộc gọi hỗ trợ người dân qua tổng đài 1022, lực lượng y tế trực tiếp tư vấn là những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp nhận thông tin, điều phối bệnh nhân trên toàn thành phố qua tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115.
Tuy nhiên, những trường hợp F0 đang theo dõi y tế tại nhà khó tiếp cận với sợ hỗ trợ về mặt y tế ngày càng nhiều. Trên lý thuyết, khi nào bệnh có biểu hiện chuyển nặng như sốt cao, khó thở, chỉ số oxy máu giảm xuống dưới 95% thì cần chủ động liên hệ với y tế để được đưa tới bệnh viện. Nhưng hiện nay hầu hết các bệnh viện đều đã quá tải, y bác sĩ không muốn bỏ mặc bệnh nhân nhưng không thể tiếp nhận thêm vì không đủ nhân lực, không đủ trang thiết bị cứu chữa. Không ít người bệnh đã tử vong tại nhà hoặc tử vong trước khi đến bệnh viện...
“Trung bình một ngày hiện nay, tôi đang tiếp nhận, hỗ trợ qua điện thoại, hỗ trợ trực tuyến cho khoảng 500 bệnh nhân. Có giáo xứ chỉ trong vài ngày đã có hàng chục người chết vì COVID-19, có những gia đình quá nhiều người nhiễm nhưng nỗ lực tiếp cận y tế trở nên vô vọng. Sáng nay, có người bệnh liên hệ nhờ tôi tư vấn chuyên môn, họ quá bế tắc, người trong gia đình muốn nhảy lầu tự tử. Tôi không biết phải làm gì hơn ngoài sự động viên an ủi, hỗ trợ tư vấn bằng tất cả những gì có thể cho người bệnh và thân nhân của họ” – BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM xót xa chia sẻ với Báo Tiền Phong.
Để chủ động ứng phó trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao ngày 14/7 TPHCM đã khẩn trương lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà trên tất cả các phường xã thị trấn và công bố số điện thoại để người dân tiện liên lạc khi cần. Mỗi tổ phản ứng nhanh gồm các bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế và tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên… Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Ngày 15/8, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM đã ký công văn hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 (phiên bản 1.2). Theo đó, Sở Y tế sẽ tiến hành truy xuất và quản lý danh sách người F0 đang cách ly tại nhà bằng chức năng “người cách ly” trên “phần mềm quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.
Việc quản lý sẽ được thực hiện với cả những người tự khai báo là F0 thông qua ứng dụng “khai báo y tế điện tử” do tự làm xét nghiệm hoặc những người có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa được khám tầm soát qua báo cáo của tổ COVID-19 cộng đồng.
Ngoài hướng dẫn người dân tự chăm sóc sức khỏe và sử dụng các loại thuốc thì thuốc kháng virus dự kiến sẽ được thí điểm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trạm y tế sẽ lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hằng ngày của người cách ly qua ứng dụng “khai báo y tế điện tử”. Nhân viên y tế sẽ gọi điện, nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho tổ phản ứng nhanh đến vận chuyển người bệnh tới bệnh viện điều trị. Bên cạnh đó, đội y tế lưu động sẽ đến thăm khám tại nhà đối với các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao để kịp thời đưa tới cơ sở thu dung, điều trị.
Ngày 15/8/2021, TPHCM quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm 1 tháng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đặt mục tiêu sẽ khống chế được dịch COVID-19 vào giữa tháng 9/2021 với các chiến lược quan trọng, trong đó tập trung vào điều trị để giảm ca tử vong và đẩy mạnh chích ngừa vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cộng dồn tất cả các đợt tiêm đến hết ngày 14/8/2021, TPHCM đã có gần 4,5 triệu người được chủng ngừa vắc-xin COVID-19, công tác tiêm chủng diễn ra thuận lợi, tất cả người đã được tiêm đều an toàn. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, vắc-xin ngừa COVID-19 chính là “chìa khóa” để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân. Từ thực tế trên, TPHCM đã đặt mục tiêu mang về nguồn vắc-xin chất lượng với số lượng nhiều nhất có thể để chích ngừa cho cộng đồng. TPHCM đang chủ động đàm phán để mua khối lượng lớn vắc xin Moderna.
Hiện nay, thành phố đã giới thiệu Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco), Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma là đại diện sản xuất của Moderna để mua 5 triệu liều vắc xin cho thành phố. Đồng thời, tiếp tục thương lượng để mua thêm 10 triệu liều khác, dự kiến từ nay đến quý II năm 2022 sẽ có khoảng 15 triệu liều vắc-xin của hãng trên sẽ được nhập về TPHCM.
Trong bối cảnh nguồn vắc-xin ngừa COVID-19 đang khan hiếm trên thế giới, hiện TPHCM đang tận dụng những nguồn lực hiện có để sớm hoàn tất chiến lược tiêm chủng với mục tiêu chích ngừa cho 70% dân số trên 18 tuổi trong tháng 8/2021. Sau khi đưa 1 triệu liều vắc xin Sinopharm của Trung Quốc sản xuất vào chủng ngừa, ngày 14/8 vừa có thêm 1 triệu liều Sinopharm được vận chuyển thành công từ Trung Quốc về TPHCM đang chờ Bộ Y tế kiểm định chất lượng trước khi đưa vào sử dụng.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho biết, không có loại vắc xin nào ngăn chặn được 100% nguy cơ nhiễm bệnh cho cơ thể sau khi tiêm. Tuy nhiên, vắc-xin COVID-19 đang giúp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng. Thực tế các trường hợp đã chích ngừa nhưng nhiễm bệnh, kháng thể trung hòa từ vắc xin đã “đánh chặn” không cho virus xâm nhập vào tế bào trong các cơ quan của cơ thể giúp giảm đi quá trình gây tổn thương tế bào ở phổi, tim, thận, gan…
Vắc xin đã ngăn chặn hiệu quả quá trình gây bệnh lý của COVID-19, tránh được nguy cơ kích hoạt cơn bão cytokine trong cơ thể bệnh nhân. Do đó những người đã được tiêm vắc xin nhiễm dù kết quả xét nghiệm dương tính nhưng sẽ không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng thì biểu hiện bệnh cũng rất nhẹ, hiếm xuất hiện biến chứng nặng hoặc dẫn đến tử vong.
Một chiến lược quan trọng khác đang được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội lớn cho cuộc chiến chống dịch là việc Bộ Y tế đưa vào sử dụng những loại thuốc mới để điều trị cho người bệnh. Theo đó, từ ngày 16/8 Bộ Y tế triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng trên địa bàn TPHCM. Bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần. Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir - một trong những thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm.
Theo BS Trương Hữu Khanh, thuốc Molnupiravir được thí điểm có thể sẽ tạo được bước ngoặt trong cuộc chiến với COVID-19, giúp bệnh nhân F0 tại nhà tránh được diễn tiến nặng. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng nhanh, giảm tải lượng virus sẽ mang lại hiệu quả khả thi trong việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh cho người lành, giúp giảm số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0
Ngày 15/8, ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký văn bản cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0”.
Theo đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà bao gồm:
Hoạt động 1: Xác định và lập danh sách F0 cách ly tại nhà trên địa bàn. Truy xuất và quản lý danh sách F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn quận huyện, phường, xã bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống người cách ly và người bệnh Covid-19”; quản lý cả những người tự khai báo là F0 qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử" do tự làm xét nghiệm, những người có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa được khám tầm soát qua báo cáo của Tổ Covid-19 cộng đồng.
Hoạt động 2: Hướng dẫn F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay khẩu trang hai lần một ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang; thường xuyên sát khuẩn tay và khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…; đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở.
Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”; ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài “1022”, số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn và quận huyện, TP Thủ Đức). Tất cả thành viên ở cùng nhà với F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “Khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.
Hoạt động 3: Khám bệnh và theo dõi sức khỏe. Trạm Y tế lập "Phiếu theo dõi sức khỏe" của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hàng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử".
Qua “Phiếu theo dõi sức khỏe" để nắm bắt các trường hợp F0 có triệu chứng, nhân viên y tế gọi điện thoại, nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị.
Đội y tế lưu động (thuộc Trạm Y tế) đến thăm khám tại nhà các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,...) để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.
Hoạt động 4: Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà. Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus và các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định (riêng thuốc kháng virus sẽ có hướng dẫn sử dụng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế).
Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thuốc kháng viêm corticoid, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Dexamethasone (liều lượng người lớn 6 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng). Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau: Prednisolone (liều lượng người lớn: 40 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng) hoặc Methylprednisolone (liều lượng người lớn: 16 mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ, uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối). Lưu ý: người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày; nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.
Thuốc kháng đông dạng uống, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Rivaroxaban (liều lượng 10mg, uống 1 lần/ngày) hoặc Apixaban (liều lượng: 2,5mg, uống 2 lần/ngày) hoặc Dabigatran (liều lượng: 220mg, uống 1 lần/ngày). Lưu ý: thời gian sử dụng tối đa 7 ngày; chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi; chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thân, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu. Khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...).
Hoạt động 5: Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà. Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Hướng dẫn cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người F0 khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19 đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát.
Hoạt động 6: Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà. Khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38°C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài “1022” (bấm số “3" để được tư vấn từ Hội Y học TPHCM hoặc số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”). Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài “115" hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.