Công viên Thiên văn học được khởi công xây dựng từ năm 2017 trên địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông) tổng diện tích lên tới 12 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng. Năm 2020, công trình cơ bản hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa một lần mở cửa.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện khu vực nội đô có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích 280ha, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất. Riêng 4 quận lõi trung tâm có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương chỉ 2,08m2/người.
Anh Nguyễn Duy Quang (đường Lê Quang Đạo kéo dài) cho biết, dù đã sống ở đây 5 năm, chiều nào cũng đi bộ qua nhưng chưa một lần đặt chân vào công viên. "Các cháu nhỏ đều rất mong chờ công viên mở cửa để có không gian vui chơi, giải trí. Công viên to như thế mà bỏ hoang thì rất lãng phí", anh Quang nói.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, các hạng mục của công viên Thiên văn học phần lớn đã hoàn thành. Tuy nhiên, mọi lối vào đều được bịt kín bằng rào sắt, gỗ và được bố trí bảo vệ trông coi. Hơn 2 năm chưa đưa vào hoạt động, nhiều rào chắn bị mục nát, nhiều hạng mục trong dự án xuống cấp.
Một dự án được quy hoạch là công viên quy mô lớn nhất thủ đô với diện tích 100ha là công viên Kim Quy trên địa bàn Đông Anh cũng đang trong tình trạng tương tự. Dự án có mức đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2018 nhưng đến nay vẫn bỏ không.
Công viên bị "xẻ thịt"
Các công viên được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cũng không khá hơn là bao. Công viên Việt Hưng trên đường Vạn Hạnh trong Khu đô thị mới Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên), do Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đầu tư các hạng mục cây xanh, vườn hoa... với diện tích hơn 157.000m2. Dự án đã được bàn giao cho UBND quận Long Biên quản lý năm 2016. Từ thời điểm đó đến nay, công viên bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được nâng cấp, sửa chữa.
Từ bên ngoài khu đô thị Việt Hưng, khó có thể nhận ra một công viên phía bên trong vì nhiều lùm cỏ dại cao quá đầu người. Nhiều khu vực ngập rác thải, cỏ lau mọc tràn lối đi.
Do bỏ hoang thời gian dài, một số hộ dân đã dựng lều bạt để trồng rau ngay trong công viên. Hồ điều hòa của công viên cũng bị chiếm dụng cho thuê câu cá theo giờ.
“Xót xa” cũng là những gì người dân nói về gần 100 ha đất “hoang” tại Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông. Mặc dù đã có 52,8ha được giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ và bị khai thác sai mục đích.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện nay trên dự án công viên cây xanh la liệt nhà hàng, nhà xưởng, kho bãi: sân bóng Thắng Lợi, nhà hàng Rơm Vàng, ga-ra ô tô Hoàn Sơn, Tre Viên quán,… Năm 2017, UBND quận Hà Đông quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố, nhưng đến nay, loạt công trình vẫn tồn tại.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cho biết, hiện giá theo hợp đồng tại công viên Hà Đông là 1 - 1,2 tỷ đồng/năm cho hơn 30ha đất. Như vậy, mỗi mét vuông đất “vàng” quận Hà Đông đang được thuê với giá 5.000 đồng/m2/năm tương đương giá cốc trà đá vỉa hè.