Trao đổi với PV báo Tiền Phong ngày 25/11, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đến nay Sở vẫn chưa cấp phép hoạt động tư vấn du học trở lại cho DSS Việt Nam.
Trong buổi làm việc với báo Tiền Phong về các vấn đề liên quan đến DSS Việt Nam mới đây, Sở LĐTB&XH TPHCM cũng khẳng định không cấp phép bất cứ giấy phép hoạt động nào bao gồm: giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm hay môi giới việc làm cho Công ty TNHH Du học định cư DSS. Như vậy, hiện nay DSS Việt Nam chỉ có duy nhất giấy phép thành lập công ty do Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM cấp lần đầu vào ngày 06/02/2018, còn lại không có bất cứ giấy phép kinh doanh ngành nghề nào cụ thể.
Tuy nhiên, bất chấp quy định pháp luật, trên website được cho là của DSS Việt Nam có địa chỉ dsseducation.com và fanpage DSS Group – Giáo dục và Di trú quốc tế liên tục đăng tải các thông tin giới thiệu, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí, DSS còn tổ chức nhiều buổi livestream, buổi phỏng vấn online giữa người Việt Nam có nhu cầu tìm việc với chủ doanh nghiệp Úc. Đăng tải các thông tin khách hàng trúng tuyển các đơn hàng nước ngoài thông qua hỗ trợ của DSS…
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm, những hoạt động trên của DSS Việt Nam là đang tư vấn, hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp và người tìm việc thông qua trung gian nhằm mục đích lựa chọn được việc làm phù hợp, thúc đẩy sự ký kết hợp đồng giữa người lao động và doanh nghiệp khi người lao động đưa ra quyết định cuối cùng nên đây là hành vi môi giới việc làm. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ môi giới việc làm, các công ty cần có giấy phép liên quan do Sở LĐTB&XH cấp (bao gồm cả việc kí quỹ 300 triệu đồng).
Trước đó, sáng 26/11, tại Hội trường lầu 6 của một Nhà khách thuộc Bộ LĐTB&XH trên đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1, DSS Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom. Buổi toạ đàm có tên “Visa định cư tay nghề cùng luật sư di trú Alan Duri” giữa khách hàng với một người được giới thiệu là cựu thẩm phán tòa di trú liên bang tối cao tại Úc. Tuy nhiên, khi tọa đàm diễn ra được hơn 30 phút thì bị chính quyền địa phương đến lập biên bản, yêu cầu ngừng tổ chức do chưa được cấp phép…
Liên quan đến vụ việc này, thông tin từ UBND phường Đa Kao, quận 1 cho biết, sau khi nhận được phán ánh của người dân về việc DSS Việt Nam tổ chức tạo đàm có yếu tố nước ngoài tại số 168 Hai Bà Trưng, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra và lập biên bản sự việc, hiện vẫn đang phối hợp với các chức năng để kiểm tra thêm nhiều thông tin để tiếp tục xử lý thỏa đáng.
Thêm nhiều bạn đọc tố DSS Việt Nam thu tiền nhưng không đưa đi nước ngoài
Sau khi báo Tiền Phong đăng tải các thông tin khuất tất về hoạt động của DSS Việt Nam, đặc biệt là việc thu tiền của khách hàng theo hợp đồng “thỏa thuận visa… đưa đi nước ngoài” nhưng không thực, thêm nhiều bạn đọc khác rơi vào trường hợp tương tự tiếp tục phản ánh đến báo Tiền Phong.
Cụ thể, các khách hàng N.T.N.H; N.T.H.M; V.T.T.N; Q.G… ký các hợp đồng thỏa thuận visa 482 để đi làm việc tại Úc với các nghề như chế biến thịt; chăm sóc người cao tuổi,.. đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa đi được.
Làm việc với PV Tiền Phong, các khách hàng này cho biết, sau khi ký hợp đồng và đóng hàng trăm triệu đồng cho DSS Việt Nam họ được học các khóa học online đào tạo tiếng Anh và nghề. Tuy nhiên, chất lượng học không như ý nên hầu hết học viên phải tự luyện thi thêm bên ngoài. Riêng nghề chế biến thịt, có học viên phản ánh học được DSS Việt Nam yêu cầu về một cơ sở ở Long An để thực hành nhưng do vị trí xa, đi lại khó khăn nên có người không tham gia tiếp…
“Khi được tư vấn và ký hợp đồng với công ty, chúng tôi có lòng tin bởi công ty của họ đóng trong Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại quận 3, TPHCM. Thế nhưng, quá trình đồng hành với công ty, chúng tôi mất dần niềm tin về cách đào tạo và chăm sóc. Họ không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ giấy tờ hồ sơ nào nếu có thì cũng bị xóa tên, xóa địa chỉ; giới thiệu doanh nghiệp nước ngoài để phỏng vấn cũng không hề có thông tin của công ty…”, một khách hàng bức xúc.
Trước đó, như phản ánh, nhiều bạn đọc gửi đơn đến báo Tiền Phong phản ánh, tố cáo DSS Việt Nam và DSS Úc thu tiền của họ nhưng không đưa họ đi nước ngoài làm việc. Đi sâu vào tìm hiểu, báo Tiền Phong còn phát hiện thêm các hoạt động bất thường khác của DSS Việt Nam như giấy phép hết hạn vẫn hoạt động; thu hộ tiền bằng ngoại tệ cho Công ty DSS Úc; hoạt động sai chức năng; tư vấn, giới thiệu đưa người đi làm việc ở nước ngoài; nợ lương, không đóng bảo hiểm xã hội…cho người lao động.
Liên quan đến vụ việc này, bà Lương Thị Hà - Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết, Sở đang tổng hợp thông tin từ các cơ quan khác có liên quan để tham mưu UBND TPHCM xử lý.
Liên quan đến vụ việc này, Sở LĐTB&XH TPHCM đã chuyển 2 đơn tố cáo DSS Việt Nam của người dân đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM. Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 cũng có phiếu chuyển đơn tố giác của người dân với bà Nguyễn Lê Vân – Giám đốc DSS Việt Nam sang Cơ quan cảnh sát điều tra quận 3; Văn phòng Công an TPHCM cũng có phiếu chuyển đơn tố giác bà Daisy Nguyen – Giám đốc DSS Úc và bà Nguyễn Lê Vân – Giám đốc DSS Việt Nam đến Phòng Cảnh sát kinh tế.