Việc tháo dỡ công trình trên núi Cát Hạ dù đã thực hiện nhưng vẫn còn hạng mục dang dở. Ảnh: Thanh Hà
Việc tháo dỡ đã xong?
Nhằm tìm hiểu việc tháo dỡ công trình có bị ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của vùng di sản hay không, chúng tôi đã tìm về xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) - nơi có công trình được xây dựng hồi năm ngoái. Ngày 12/7, chúng tôi đến thăm khu được gọi là Tràng An cổ, nơi được Công ty Cổ phần du lịch Tràng An quản lý và đưa vào tổ chức bán tour tham quan từ nhiều năm nay. Khu này nằm cách khu du lịch sinh thái Tràng An chừng 3km. Qua Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình, chúng tôi nhờ kết nối với với ông Nguyễn Văn Son - chủ nhân của công trình này nhưng được biết, ông đang có công chuyện ở Hà Nội và cũng “không muốn gặp gỡ báo chí”.
Trước đó, sau 3 lần trì hoãn, đến ngày 10/7, UBND huyện Hoa Lư cho biết, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An đã thực hiện xong việc tháo dỡ công trình trên núi Cái Hạ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc tháo dỡ dù đã thực hiện nhưng vẫn còn dang dở.
Theo chân một cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình, chúng tôi lên khu Tràng An cổ. Từ chân núi Cái Hạ nhìn lên, các bậc thang lối lên đàn Kính Thiên vẫn còn thấy rất rõ. Ngay tại điểm đầu tiên của lối lên có chắn bằng các tảng bê tông, duy chỉ có cổng chào vào khu vực này là đã được tháo dỡ hoàn toàn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, việc tháo dỡ đã hoàn thành. Tuy nhiên khi chúng tôi cung cấp những hình ảnh các bậc thang, cột…vẫn còn tồn tại, bà Cúc sửa lại rằng: “Về cơ bản là đã xong rồi”.
Chúng tôi hỏi: “Vậy chính quyền có yêu cầu Công ty cổ phần du lịch Tràng An tiếp tục thực hiện việc tháo dỡ như cam kết trả lại nguyên trạng cho vùng di sản hay không?”. Bà Cúc cho biết, việc này cần phải có sự chung tay của Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, Sở Xây dựng... và nhiều đơn vị khác, vì huyện không có chức năng, thẩm quyền cưỡng chế.
Xử lý trách nhiệm, chờ kết luận của tỉnh
Theo chia sẻ của một cán bộ Phòng Văn hóa của huyện Hoa Lư, việc tháo dỡ khá mệt mỏi từ nhiều tháng nay. Sai phạm đã rõ, các cấp vào cuộc rốt ráo nhưng để xử lý cũng không phải đơn giản. "Công ty Cổ phần du lịch Tràng An vẫn cho khách vào thăm để các cơ quan chức năng không thể cưỡng chế tháo dỡ. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Ban quản lý danh thắng Tràng An đã phải cho cắm biển ở bên ngoài: “Điểm kinh doanh du lịch trái phép, đề nghị quý khách không tham quan”. Nhưng do biển chỉ có tiếng Việt, không có bản tiếng Anh nên thỉnh thoảng vẫn có khách nước ngoài vào thăm", vị cán bộ này nói.
Còn một vị cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao của tỉnh Ninh Bình thì cho hay, sẽ không cấm du khách mà chỉ đưa ra khuyến cáo. Nếu khách có nhu cầu muốn tham quan thì vẫn được ra vào tự do nhưng không được thu phí.
Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm là, trong sự vụ này, sẽ có cá nhân nào bị kiểm điểm hoặc kỷ luật, ông Vũ Văn Huân - Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Tập thể UBND huyện Hoa Lư và cá nhân liên quan đã nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để doanh nghiệp tự ý xây dựng công trình, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Huyện cũng đã báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Về phía UBND xã Trường Yên, ông Nguyễn Đức Lợi - Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, cá nhân ông và tập thể lãnh đạo xã tự nhận hình thức khiển trách.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc nói: “Trách nhiệm của chúng tôi đến đâu thì nhận đến đó. Lỗi của chúng tôi là không quyết liệt chỉ đạo. Về chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, kết quả thế nào thì còn phải đợi quyết định của UBND tỉnh”.
Trước đó, theo kết luận của Đoàn Thanh tra của UBND tỉnh Ninh Bình, để công trình trên núi Cái Hạ tồn tại, hàng loạt giám đốc các Sở, ban ngành của tỉnh Ninh Bình phải chịu trách nhiệm gồm: Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Du lịch, Văn hóa - Thể thao, Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội, Giám đốc Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Chi cục trưởng Kiểm lâm, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hoa Lư - Gia Viễn vv...