> Bỏ chấm điểm lớp 1 chưa hẳn giúp trẻ bớt khổ
> Không chấm điểm lớp 1 và chuyện 'chạy trường'
Bầy chim, thú trong rừng cảm thương hoàn cảnh của cú mẹ, bèn tỏa đi tìm. Cứ thấy chú chim non xinh đẹp nào đều mang đến chỗ cú mẹ để cô nàng nhận diện. Nhưng biết bao nhiêu con chim non đẹp đẽ dễ thương được trưng ra trước mặt cú mẹ, cô nàng đều lắc đầu: “Không phải đâu, con tôi đẹp hơn thế này nhiều”. Cứ thế, muông thú như lật tung cả cánh rừng, điểm danh đủ các bé chim lạc bầy mà vẫn không tìm ra cú con. Cuối cùng, sót lại duy nhất con cú con xấu xí, đứng khóc ê ê ở một góc rừng. Có người báo tin hú họa, cú mẹ lao tới và kêu toáng lên: “Ôi con tôi đây rồi”.
Câu chuyện ý nói, đối với mẹ thì con mình, dù có là con cú, cũng vẫn là đứa trẻ tuyệt vời nhất. Và cũng từ ngàn xưa, tình cảm của cha mẹ với đứa con bao giờ cũng là thiêng liêng và không thể so sánh.
Tuy nhiên, tình yêu thương và sự kỳ vọng của cha mẹ, trong nhiều trường hợp trong cuộc sống hiện đại, trớ trêu thay, đang tạo ra gánh nặng rất lớn đối với những ngây thơ, non nớt của trẻ. Đó chính là cảnh ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam, các bé mới đi mẫu giáo nhưng đã phải “chạy sô” học thêm, hết học chữ, học toán, tiếng Anh rồi lại đến luyện chữ đẹp, luyện đàn piano, organ… Hãy thử tưởng tượng một đứa bé mới 6 tuổi ngoài học ở trường, ở trung tâm gia sư, rồi tiếp tục học ở nhà đến 23h đêm mới được nghỉ thì áp lực đè nặng đến mức nào?
Nhưng vì sao nhiều bậc cha mẹ, thay vì giảm tải cho con sau những giờ học chính khóa căng thẳng ở trường, lại bắt bé gánh thêm cả một kỳ vọng quá khổ?
Ai cũng hiểu, nuôi dạy một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều tình yêu từ con tim và cả lý trí. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, sư phạm luôn được coi là nghề cao quý, bởi thiên chức của nó là tạo nên một công dân hoàn thiện, con người có ích. Từ phía nhà trường hay từ gia đình, vì bất cứ một động cơ lệch lạc nào cố nhồi, cố ép để hình thành nên một sản phẩm méo mó, đều có tội với tương lai.