Thời ấu thơ, thân quen là con đường đến trường, đường sang bà hay con đường thơ thẩn cùng cha… Những con đường đó nay vẫn tồn tại, nhưng cũng đã khác xưa nhiều lắm. Bốn mươi năm rồi còn gì! Những hàng cây cơm nguội, những căn hầm tránh bom công cộng trong thời chống Mỹ nay không còn hình bóng, những trụ máy nước công cộng cũng chả còn! Vỉa hè thời xưa lát bằng gạch lá dừa, nay đã được lát lại bằng thứ gạch xi măng mầu đỏ tiết, mầu xanh cây già trông rất kém thẩm mỹ. Cột đèn đầu phố đã bị dỡ hết, nay được thay bằng cột bê tông đúc sẵn. Các đường ống nước đã được chạy vào từng hộ, từng căn buồng chức năng như bếp, nhà tắm. Cái nạn mất nước nay cũng đã giảm nhiều, nếu có vỡ đường ống sông Đà thì cũng đã có các xe xì- téc chở nước sạch đến cấp cứu nên ụ máy nước công cộng cũng không còn cần nữa. Những con phố lặng lẽ, vắng vẻ xưa nay đã được khoác lên tấm áo mới. Mới đấy, hiện đại đấy nhưng chả chắc đã đẹp, đã thoáng bằng ngày xưa. Cảm giác thân thiết, gần gụi đâu mất rồi?
“Tầu điện” xuất hiện những năm 1899 ở Hà Nội, tuyến ray chính đi qua những phố nằm trong tuyến Bắc Nam của Hà Nội, một đầu ở Chợ Mơ-cuối đường Bạch Mai, còn đầu kia nằm ở cửa chợ Đồng Xuân. Còn một số các điểm khác nữa như chợ Bưởi, Hà Đông v.v. Cái đường ray của tầu điện, xưa nhảy tầu từ Mơ lên đến Lý Thường Kiệt để đi học đã bị bóc đi vài chục năm rồi. Vé có 2 hào, nhưng học trò rất hay trốn vé, nhảy từ toa đầu xuống toa 3 để trốn sơ – vơ. Nhớ mãi đoạn nhảy tầu đi học, chỉ nhảy xuôi chẳng dám “bổ ngược”, thật là dát. Ngẫm lại cũng thấy cái sự nhảy tầu cũng mang tính cách con người ở đó. Những đứa chỉ dám nhảy xuôi thì cũng chỉ sống xuôi dòng, theo kiểu cán bộ nhà nước tàng tàng vậy thôi, còn những đứa dám nhảy ngược thì rất khác, đứa đi buôn chợ giời, đứa làm bảo kê, đánh nhau tá lả nhưng đều nổi danh hảo hán.
Nhớ cái con đường chạy qua đất làng Hoàng Mai, Tương Mai, Giáp Lục, Giáp Nhất xưa, mỗi sáng mùa đông, 6h mà trời còn tối om om, đi bộ lên chợ Mơ để kịp chuyến đầu tiên đến trường, sao mà hiu hắt, vắng vẻ. Con đường này xưa là con đường thiên lý từ phía Nam qua trạm Hà Mai vào kinh thành Thăng Long. Hai bên đường những căn nhà cấp 4, mái ngói, giấy dầu, tôn xi măng lúp xúp, quặn quẹo trong sớm đông. Đây đó vài ánh đèn leo lét hắt ra từ những hàng quán mở sớm đón khách lao động ăn quà sớm để đi làm, cái ánh đèn ấy với một kẻ mồ côi cha, học hành chả đâu vào đâu sao nó u ám và buồn đến vậy.
Những đường phố Hà Nội mới chỉ có vào những năm 20 của Thế kỉ trước, những đoạn được rải nhựa đầu tiên đó là con đường Đinh Tiên Hoàng. Thời đó Người Pháp lấp hồ Lục thủy, phá chùa Báo Ân để làm nhà Bưu điện và mở ra con đường mới cho thuận tiện và sạch sẽ. Rồi đến những khu vực khác như Tràng Tiền, Tràng Thi, Khu nhượng địa bên bờ sông. Nhưng xem lại toàn bộ quy hoạch Hà Nội của người Pháp sẽ thấy toàn bộ những đường phố kia đều là nằm trên các làng của Hà Nội cũ. Nào tổng Tả Túc, tổng Hữu Túc, tổng Tả Nghiêm, tổng Hậu Nghiêm, tổng Tiền Nghiêm của huyện Thọ Xương cũ …v.v. Người Pháp đã quy hoạch toàn bộ khu vực này theo ô bàn cờ. Cấu trúc làng cổ Việt nam ở Thăng Long thành bị phá hoàn toàn, nay đây đó trong các phố vẫn còn các Đình thờ Thành Hoàng làng nằm xen giữa các kiến trúc nhà hộp bê tông.
Ai đó đã nói: mỗi con phố Hà Nội với tôi là một cảm xúc…Ừ! Có thế thật, nếu những con phố kia gắn với những kỉ niệm. Tôi sẽ gọi con phố vừa bị thảm sát hơn trăm cây cổ thụ kia là phố: Mong đợi ngậm ngùi…bởi bao nhiêu lần tôi đi vào đó để theo đuổi một tình cảm vô vọng, nhưng vẫn đi và vẫn hy vọng. Còn con phố hai bên đường cao vút sao đen là phố của ngây thơ, ngốc nghếch bởi phố có ngôi trường cấp 2, có những bạn bè thân thiết tới giờ, có những xúc cảm ngây ngô đầu đời, có những lần ngốc nghếch đi đút 2 cái vé xem ca nhạc qua khe cửa nhà cô bạn…rồi ù té bỏ chạy.
Một nhà thơ đã viết: Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về… có lẽ nhà thơ đã trải lòng giúp người Hà Nội. Họ sinh ra ở đây, họ lớn lên ở đây, rồi họ ra đi … Một thời thanh niên, trung niên biết bao lần lòng họ xác xơ! mong mỏi trở về lắm lắm. Về vội vã, gặp vội vã như uống một liều thuốc giảm đau tinh thần, để rồi lại ngửa mặt đón nỗi xót xa mới, xác xơ hơn của chuyến đi mới. Lại phải xa những con đường nay cũng đã già cả, ốm yếu kia, những con đường của dĩ vãng, những con đường hình như chỉ dành riêng cho họ… cho dù lòng không muốn…
Phố Hà Nội xưa vắng lắm, có những nơi có thể đá bóng ngay dưới đường - thi thoảng mới có người đạp xe qua. Phố ngày xưa ấy, chỉ đông vào những ngày lễ 2-9, 30-4, khi dân ở ven ngoại kéo về xem bắn pháo hoa, hoặc duyệt binh. Những tuyến trục chính Phố Huế- Hàng Bài, Hàng Bột- Nguyễn Thái Học- Cát Linh, Hàng Bông - Cửa Nam, Tràng Tiền- Hàng Khay.v.v. thì còn tấp nập, người xe qua lại chứ những phố nhỏ hơn thường là thưa thớt. Có một thời khoảng những năm 80, Ủy ban Nhân dân Thành phố còn cho xây hai bục gạch ở đầu các phố nhỏ như Lữ Gia (Lê Ngọc Hân bây giờ), Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân…cấm xe ô-tô qua lại, lấy đoạn phố đó để trẻ em vui chơi. Ngày nay thì… chả ở đâu vắng, chả khi nào vắng, đông là thường xuyên, tắc là bình thường. A! có ngày vắng, đấy là mấy ngày Tết Nguyên Đán, cư dân có hộ khẩu và không có hộ khẩu của Hà Nội về quê ăn Tết hết…nên đường xá cũng được nghỉ ngơi sau một năm quá tải.
Đọc status trên FB của một bạn đang làm việc tại Hà Nội ta thấy ngay nỗi niềm mỗi sáng của những cư dân mới của Hà Nội:
Buổi sáng bon chen với đường phố Hà Nội...với những con người ngày nào cũng phải bon chen... giờ nào cũng phải bon chen...khiến tâm hồn họ cũng bon chen theo chiều gió...
Người ngoại thành đường rộng thênh thang, chẳng có gì để mà bon với chen... chẳng có gì đâm vào họ ngoài cỏ cây và rơm rạ...những thứ đâm vào chỉ làm ta buồn ko chịu nổi... nên đi đâu người ngoại thành cũng coi những gai góc đâm vào mình như cỏ cây đâm vào vậy... vì thế mà họ cũng nhẹ nhàng hơn, bình dị hơn...
Người nội thành thì coi cỏ cây đâm vào như có gai bồ kết đâm... họ cảm thấy khó chịu vì điều đó...
Chật chội, tắc nghẽn, bụi bặm đã làm cho những người nội thành trở thành xấu xí hơn trong mắt những người ngoại thành. Thôi cảm thông đi …người nội thành họ chả muốn vậy đâu!