Còn ai nhớ nhà văn Nguyễn Thế Phương?

TP - Gần cạn một ngày, sau những lang thang hỏi han ngơ ngác ở vùng đất Gia Miêu Ngoại trang, nơi phát tích 9 chúa 13 vua nhà Nguyễn - thuộc xã Hà Long huyện Hà Trung thì đã vàng mặt giời. Tôi vẫn choang choác cái câu với nhà thơ Nguyễn Duy "Tôi níu váy bà đi chợ Bình Lâm/ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn một nấm cỏ thôi". Ý muốn nèo thêm câu ấy để xúi Nguyễn Duy ghé quê ngoại Bình Lâm không xa Gia Miêu bao nhiêu.

Gọi là ghé quê ngoại nhưng cũng chỉ vội vội vàng vàng. Trên xe Nguyễn Duy huơ tay về địa điểm cái chợ Bình Lâm như miền cổ tích tuổi thơ của thi sĩ. Nào là mé kia là nhà lão điêu khắc trứ danh Tạ Quang Bạo. Và kia nữa là nơi sinh ra và lớn lên một tài năng văn chương, nhà văn Nguyễn Thế Phương...

Tôi giật mình. Từng nghe loáng thoáng Hà Trung là quê Nguyễn Thế Phương. Hóa ra lại ngay Bình Lâm này.

Một tài năng! Chả phải thi sĩ Nguyễn Duy mến quê mà quá lên cái thở dài than tiếc. Quả là có một tài năng Nguyễn Thế Phương mới 30 tuổi với cuốn tiểu thuyết “Đi bước nữa” được tái bản đến 5 lần. Mỗi lần tái bản là 5 vạn. Rồi các cuốn “Ngày trở về”, “Chân trời mưa gió”… Một chút kỷ niệm tự dưng cứ bời bời. Chả là hồi nhỏ, đọc trộm cuốn « Đi bước nữa » đã rách tướp của ông chú có những đoạn đâm thuộc lòng!

Dền dứ nấn ná mãi... Hơn 10 năm sau chả có Nguyễn Duy đi cùng tôi cũng lại ghé Bình Lâm. Và cái đích cũng chỉ ghé nhà văn Nguyễn Thế Phương.

Căn nhà cổ khó đoán tuổi phía cuối làng như tố cáo một quá vãng không thường. Cái vòm ngói đã tướp xám... Cây cột mọt đục... Câu chuyện của chủ nhân như dẫn dắt tôi về ký ức.

Trước CM tháng 8/1945, Bình Lâm vẫn còn nhiều thầy dạy chữ Nho, chữ Nôm và cả chữ Pháp, chữ Quốc ngữ như cố (quê tôi gọi là cụ) Ngô họ Cù, cố Ký họ Tạ, cố Cù Quốc Sĩ… Làng có nhiều người đậu cử nhân như các cụ đồ Bối, đồ Mai (Nguyễn Xuân Mai), rành thạo chữ Pháp như anh em cụ Nguyễn Xuân Phương. Lại thêm một ngạc nhiên, Bí thư chi bộ đảng đầu tiên của huyện Hà Trung, chính là nhà văn Nguyễn Thế Phương.

Tận giờ tôi mới hay cái tên khai sinh của nhà văn là Nguyễn Xuân Phê. Người anh ruột yêu quý của nhà văn tên là Phương bị mất đột ngột. Ông bố muốn người em thay anh nên cho con trai mang tên mới là Nguyễn Thế Phương!

Năm 1945, mới 15 tuổi, Nguyễn Thế Phương đã tham gia cách mạng vào đội du kích, tổ chức cướp chính quyền ở phủ Hà Trung. Ông làm công tác tuyên truyền từ xã lên huyện và tỉnh, sau làm tuyên truyền ở liên khu IV. Nguyễn Thế Phương tham gia cuộc cải cách ruộng đất và làm Hiệu ủy Trường cải cách liên khu IV.

Năm 1958, ông về làm Trưởng ban Triết học Nhà Xuất bản Sự thật nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. Năm 1960, khi tiểu thuyết “Đi bước nữa” ra mắt công chúng làm xôn xao dư luận về một tài năng văn học vừa xuất hiện quê Thanh Hóa, ông chuyển qua làm Trưởng ban Biên tập Nhà xuất bản Văn học.

Ở Hà Nội có nhiều người quen biết nhà văn Nguyễn Thế Phương. Như ông bạn già, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu cùng quê sau này là Giám đốc NXB Văn học. Ngồi với Nguyễn Văn Lưu, ấn tượng thêm những xuýt xoa thở dài than tiếc. Và cả những ngậm ngùi.

… Phải ghi nhận rằng, ít cuốn tiểu thuyết được tái bản tới 6 lần và có lần in tới 5 vạn cuốn đều bán hết ngay như “Đi bước nữa” thời bấy giờ.

… Đạo diễn phim nhựa bộ phim “Đi bước nữa” vừa chỉ đạo quay vừa thốt lên: Hiếm có cốt truyện nào gây ấn tượng sâu nặng và cảm động về một vùng quê như “Đi bước nữa”.

Chuyện cụ Lưu như một khúc lý lịch trích ngang.

Một nhà văn trẻ đang nổi danh, nhất là sau bộ phim “Đi bước nữa” nhà văn Nguyễn Thế Phương (NTP) rơi vào tầm ngắm nhân sự của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh Thanh muốn có một người tài. Vậy nên năm 1964, nhân có chút chuyện hoàn cảnh gia đình, NTP mau chóng được chuyển về Ty Văn hóa Thanh Hóa phụ trách tập san “Người bạn văn hoá” tiền thân của Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh bây giờ.

Về Thanh Hóa, NTP ấp ủ ý định sẽ thâm canh lâu dài ở quê để có bề dày tư liệu cho sáng tác. Thời điểm này, cả Thanh Hoá mới độc nhất có NTP là nhà văn (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). NTP trở thành hội viên ngay sau khi công bố hai truyện ngắn “Người bạn cũ” và “Đào chèo”. Hai truyện ngắn đủ để khẳng định một tài năng.

Những người viết trẻ xứ Thanh coi NTP là “của quý hiếm”, là thầy trong nghề. Nhưng NTP rất giản dị đáng yêu. Hình ảnh nhà văn NTP đôi mắt kính cận nhiều đi-ốp hết lòng vì công việc dũng cảm xông xáo trong bom đạn luôn sâu đậm choán chiếm tình cảm nhiều người.

Một nhà văn đã thành danh luôn có tấm lòng với các cây bút trẻ. Một nhà văn NTP vừa là “cây cột cái” vừa là linh hồn của Tập san Văn hóa Thanh Hóa. Có NTP, nhờ NTP ở Thanh Hóa mà các nhà văn nhà thơ làm việc ở Trung ương, Hà Nội và các tỉnh bạn có thêm lý do để lui tới.

Khi trở về Thanh Hóa, “Nắng” mới chỉ hơn sáu chục trang khởi thảo. Tới lúc Ty Văn hoá sơ tán đến làng Vạn Lộc (thuộc huyện Đông Sơn), NTP mới động bút trở lại. Anh viết đều đặn vào các đêm. 12 giờ đêm anh mới bỏ bút, buông màn.

Vậy mà mới chỉ có hơn hai năm được sống, được viết hết mình, NTP lại phải rời xứ Thanh. Lại phải “ Đi bước nữa”.

Có nhiều duyên do. Chả phải cái chuyện 50 đồng lương mỗi tháng mãi mà không lên được mức 56 đồng, nghĩa là chỉ nằm yên ở mức cán sự một. Cái chính là NTP bị khó chịu, bị thương tổn bởi cách hành xử của vài cán bộ lãnh đạo Ty Văn hóa thời điểm ấy.

NTP trở lại Nhà xuất bản Văn học làm Trưởng ban Biên tập. Đó là năm 1967, Khu Bốn Thanh Hóa và khắp cả miền Bắc bom đạn Mỹ rền trời. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân, lần ấy đã chia sẻ với tôi một hồi ức:

…Năm 1967, bước sang năm học cuối cùng của Trường Mỹ thuật. Lớp tôi được nhà trường phân công đi thực tế. Tôi và hai bạn cùng lớp được phân công đi Thanh Hóa. Hồi đó tôi gày gò, nhỏ bé chỉ 38 kg. Đây là lần đầu tiên tôi đi thực tế ngay tại nơi bom đạn ác liệt nhất.

Tôi liên hệ với nhà văn NTP làm ở Ty Văn hóa Thanh Hóa cho tôi ra tận sát cầu Hàm Rồng để làm việc.

Chú NTP đã đồng ý. Chú đưa tôi về ngôi nhà cũ của ông ở làng gần cầu. Nhà đã bị bom phá tan hoang chỉ còn là một đống gạch vụn. Ông nói cháu không thể ở đây được, mọi người đều sơ tán ra chân đê hết, nguy hiểm lắm, cháu có sợ không?

Tôi nói tôi không sợ. Thế là ông đưa tôi đi xuôi dọc theo triền đê sông Mã. Một quãng thật dài.

- Nhà chú đây rồi

Một hố sâu được khoét vào lòng đê.

Chú bảo tôi chui vào. Trong hầm, một bà già ngồi ôm gối co ro, nhìn tôi, miệng mấp máy… Chú Phương nói:

- Đây là mẹ chú, từ hôm nhà bị bom Mỹ sập, cả nhà chú phải chạy ra đây. Mẹ chú sinh lẩn thẩn, sểnh một cái không thấy bà đâu. Chạy về làng, may bà đang ở đó. Bà đang tìm bới trong đống đổ nát rồi co ro một mình im lặng không nói gì! Vợ con chú suốt ngày phải chạy đi chạy lại đưa bà về.

Hóa ra dọc triền đê này không phải chỉ có một hầm nhà chú Phương. Rải rác suốt dọc triền đê những cái hầm đào móc vào chân đê như những hang cua, hang chuột.

Cả khu làng dọn ra đây gần như không có một bóng đàn ông. Các cô dân quân, nông dân bình thường rất vui nhộn, làm việc khỏe vô cùng. Nhưng không hiểu sao, cứ chập choạng chiều, trên bờ đê, tôi lại thấy mấy cô vừa đi vừa vẫy khăn, vẫy áo, tóc xõa tung bay theo gió, bóng cao lừng lững trên nền trời… Các cô cười rưng rức, lại có lúc khóc hu hu, đi lại dật dờ thất thểu trên đê một hồi xong lại ai về hầm nhà nấy.

Lạ quá tôi hỏi chú Phương:

Đình cổ Bình Lâm

- Chú ơi, bà nhà mình mất trí vì nhà bị bom đánh sập, nhưng các chị trẻ khỏe thế kia, sao cứ chiều nào cũng xõa tóc đi trên đê vừa đi vừa cười, vừa khóc là thế nào hả chú?

Chú Phương thở dài:

- Các chị ấy bị bệnh hysteia đấy cháu ạ. Cả làng không có một người đàn ông nào…

Nhưng lạ cái, cứ chiều tối hết cơn, các chị lại đi cấy lúa, đi vác đạn, lấp hố bom, cứu thương, y như không có chuyện gì xảy ra.

Ngay sát chân đê chú Phương đã dẫn tôi ra thăm một dẫy mộ mới đắp, 7 cái mộ từ to đến nhỏ sát liền nhau. Chú nói cả nhà họ mới bị máy bay bắn chết hết.

Ngày ngày tôi ra gần Hàm Rồng vẽ. Đêm lại về cái hang cua nhà hầm trên đê để ngủ. Một đêm đang ngủ ngon, tôi thấy như ai quạt mát trên đầu, sờ lên thấy một đống mềm mếm, ấm ấm…

Tôi mở mắt ra. Mẹ chú Phương.

-Cháu nằm im, đừng dậy. Bà đang đỡ đẻ cho con chó mẹ. Sắp xong rồi. Bà quạt cho nó và cho cháu đỡ nóng đấy. Bà cũng thắp đèn để biết nó đẻ được mấy con, và nó không nằm đè lên con của nó.

Nhà văn Nguyễn Thế Phương

Không hiểu sao bà cụ bỗng tỉnh táo thế, bà nói rành rẽ từng lời, âu yếm nhìn tôi và đàn chó. Bà như chẳng lẫn điều gì.

Tôi nhìn bà. Bà không còn là bà già mất trí nữa. Bà y như bà tôi ngày nào cũng âu yếm nhìn tôi như vậy.

(Hết trích)

“Nắng” được xuất bản. Những ý kiến tốt lành của dư luận như mang thêm cho NTP chút sinh khí. NTP chỉ sinh sắc trở lại khi ngồi với bạn viết ôn lại kỷ niệm sâu đậm những năm tháng sống và làm việc ở Tạp chí “Người bạn văn hoá” ở quê nhà.

Một cú đánh chí tử của số phận. Ấy là cái tin báo tử người con trai nhớn nhao đẹp đẽ của nhà văn hy sinh ở Mặt trận phía Nam. Sau nghe bạn bè của con kể lại, nhà văn càng đau đớn hơn, đứa con trai đầu lòng của ông, Nguyễn Xuân Hoàng đã dự một trận đánh ác liệt quả cảm. Đơn vị Hoàng nhận nhiệm vụ đánh chìm đoàn tàu chiến Mỹ ở kênh Vĩnh Tế – Long An. Càng đau hơn khi thi thể của Hoàng tan biến vào bùn nước của dòng kênh lịch sử. Năm ấy người con trai nhà văn NTP mới 24 tuổi!

Những sum vầy động viên của người thân, bạn bè; Và cả rượu nữa cũng chả làm khuây đi nỗi đau quá lớn. NTP còn kịp ghi vào cuốn tiểu thuyết “Ngày trở về” đang in là “Những ngày thương nhớ Hoàng”.

Ở NXB Văn học chỉ còn lại một ông già NTP hẫng hụt. Một NTP ngơ ngác… Một ngày mùa đông năm Kỷ Tỵ 1989, nhà văn NTP đã lặng lẽ ra đi ở tuổi 59.

Có vẻ hình như người ta đã quên nhà văn NTP, một nhà văn cách mạng đầu tiên của xứ Thanh? Bao năm nay người ta “quên” không biên tên nhà văn tài hoa ấy vào danh sách đề nghị Giải thưởng Nhà nước?