Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành (luật ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2007).
Dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi cũng có nội dung đáng chú ý khác là việc trưng cầu ý dân. Đây là một trong những thẩm quyền mà lâu nay QH chưa thực hiện được do chưa được cụ thể hóa và chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
Dự thảo nêu: “Khi xét thấy cần thiết, QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp, về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng hoặc về những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH”.
Theo dự thảo, cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân là UBTVQH, quy định về hình thức phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu, quyết định nội dung ghi trên phiếu căn cứ vào Nghị quyết của QH về việc trưng cầu ý dân. Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức việc bỏ phiếu, tổng hợp, công bố kết quả trưng cầu ý dân và báo cáo với UBTV để báo cáo QH.
UBTVQH cũng đề nghị quy định trong luật chức danh Tổng Thư ký QH, thay thế Đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Theo đó, Tổng Thư ký QH chịu trách nhiệm phát hành thông cáo về nội dung phiên họp của QH, phiên họp của UBTVQH và các hoạt động khác của QH; tổ chức công tác thông tin báo chí tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH.
Liên quan tổ chức của QH, dự luật xác định tổng số ĐBQH không quá 500 người, đồng thời quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất 35% tổng số ĐBQH. Trên cơ sở đó, có thể phấn đấu tăng lên 50% trong một số nhiệm kỳ tới.