Cơ sở mẹ Mười đã có cam kết tuyệt đối không bạo hành
Ông Ngô Chính Công (Phó chủ tịch UBND phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) nơi vừa xảy ra vụ bạo hành trẻ khẳng định: Cơ sở nhóm lớp trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười do bà Đinh Thị Hồng làm chủ đủ điều kiện hoạt động theo các quy định hiện hành. Và phải nói rõ rằng: cơ sở này “được” UBND phường cấp phép chứ không phải “do” UBND phường cấp phép. Nếu nói “cơ sở này do UBND phường cấp phép” nghe ra có nghĩa như đang đổ tội cho địa phương.
“Nếu bà Hồng không đủ điều kiện mà phường vẫn cấp phép thì đó mới nói là do UBND phường cấp phép. Nhưng cơ sở này đủ điều kiện, thì sẽ được cấp phép theo quy định. Quy định của pháp luật, phường có quyền được cấp. Phường không cấp người ta sẽ kiện vì họ đã có đủ điều kiện và được cơ quan chuyên môn thẩm định, có ý kiến đề nghị”, ông Công phân tích
Cơ sở mẹ Mười của bà Đinh Thị Hồng đã có cam kết với chính quyền địa phương "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em". Ảnh : Nguyễn Thành
Theo ông Công, trước khi được cấp giấy phép hoạt động, theo quy định cơ sở phải được Phòng Giáo dục- Đào tạo, cơ quan chuyên môn về lĩnh vực giáo dục thẩm tra và có văn bản đề nghị phường cấp phép. Cơ sở mẹ Mười có đầy đủ các văn bản và giấy tờ này.
Về trình độ và nhân thân bà Hồng, Phó chủ tịch UBND phường cho biết: bà Hồng có bằng Cao đẳng Giáo dục mầm non. Qua nhiều lần tiếp xúc trước khi xảy ra vụ bạo hành, cá nhân ông đánh giá nhân thân bà Hồng tốt.
Dư luận đang đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương sau vụ việc? Ông Công cho biết: Vụ việc xảy ra có trách nhiệm của địa phương. Chính quyền địa phương không né tránh. Chính quyền thường xuyên kiểm tra 12 nhóm trẻ trên địa bàn. Ngay đầu năm 2018, phường đi kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm nào. Không chỉ phường mà Phòng Giáo dục đi kiểm tra cũng không thấy dấu hiệu vi phạm. Trong khi hành vi nuôi dạy trẻ kéo dài thường xuyên, năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác. Những hành vi bạo hành có thể bộc phát, không xảy ra thường xuyên nên khó phát hiện.
Cần giáo dục kỹ năng, đạo đức thay vì đổ lỗi
Ngày 21/5 xảy ra sự việc, thì ngày 22/5, UBND phường Chính Gián lập tức mời 11 nhóm lớp còn lại trên địa bàn để làm việc. Ông Công cho hay, khi xem các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội chủ các nhóm lớp tỏ ra bức xúc về sự việc.
Cơ sở mẹ Mười nơi xảy ra vụ bạo hành. Ảnh Nguyễn Thành
Nhiều người đề xuất việc lắp camera tại các nhóm, ông Công cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời quan trọng vẫn là cá nhân mỗi con người, đạo đức nghề của bảo mẫu, giáo viên. Khi xảy ra sự việc, dư luận, lãnh đạo cấp trên thường đổ lỗi cho địa phương quản lý yếu kém. Tuy nhiên, việc này phải xem xét thấu đạo.
“Bộ GD&ĐT phải thay đổi chương trình giáo dục đối với sinh viên ngành sư phạm và nhất là ngành sư phạm mầm non vì đang nặng về mặt lý thuyết. Phải dạy các em về mặt chuyên môn, kỹnăng chăm sóc, nuôi dạy trẻ đó mới là cái gốc của vấn đề. Thực tế nhiều sinh viên sư phạm mầm non cầm bằng ra trường nhưng không biết cách cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ. Bằng cấp địa phương nắm, nhưng về kỹ năng của các giáo viên, bảo mẫu làm sao địa phương biết được. Địa phương quản lý chỉ là cái ngọn, không thể chỉ giải quyết cái ngọn mà cái gốc vấn đề không thay đổi”, ông Công nói.
“Đừng nói lắp camera sẽ không còn bạo hành. Camera sẽ có những góc khuất, điểm mù và khi đó bạo hành nếu xảy sẽ tinh vi hơn. Quan trọng nhất vẫn là camera của chính trái tim mỗi người giáo viên, bảo mẫu”, ông Công chia sẻ.
Hình ảnh bạo hành trẻ em tại nhóm lớp mẹ Mười khiến dư luận bức xúc.