Có nên lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo?

TPO - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên là cần thiết, thể hiện tính nhân văn.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)

Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì có việc lãnh đạo mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể tham gia điều hành công tác được, thể hiện tính nhân văn.

Tuy nhiên để đảm bảo tính chặt chẽ, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu khi có xác nhận của cơ sở y tế phải quy định rõ xác nhận cơ sở y tế của cấp nào, xã, huyện, hay bệnh viện trung ương?

Theo đại biểu, ở phạm vi lấy phiếu tín nhiệm cấp Quốc hội thì dễ triển khai nhưng khi triển khai xuống HĐND các cấp, các cơ quan tại dưới cơ sở sẽ xảy ra tình huống địa phương sẽ hỏi cơ sở y tế cấp nào? Do đó cần quy định cho chặt chẽ điều này.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho rằng, việc không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên là phù hợp. Tuy nhiên, theo quy định, các trường hợp thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo cho các đại biểu trước 30 ngày.

Vậy trong trường hợp, thời điểm đó người thuộc diện lấy phiếu mới bị bệnh hiểm nghèo thì sao? Khi đã xác định bị bệnh hiểm nghèo rồi, đang tập trung vào điều trị thì làm gì có thời gian, sức lực để làm báo cáo?

ĐBQH Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai nấc khác nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm. Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu trường hợp trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” trở lên thì khuyến khích xin từ chức.

Nếu họ không từ chức lúc đó sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. “Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm”, bà Thanh nói.

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh cho hay, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định số 96.

"Ban đầu, Ban soạn thảo thiết kế thời hạn 3 tháng, nhưng quá trình lấy ý kiến, đa số đều cho rằng, như vậy quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, Ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết", bà Thanh nêu.