Bên cạnh những thành tựu rất đáng kể của đội ngũ luật sư Việt Nam trong việc góp phần đảm bảo công bằng xã hội, tham gia công cuộc đổi mới đất nước, văn bản do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký đã nêu ra những hạn chế và yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức hoạt động nghề nghiệp của các luật sư Việt Nam, dẫn đến đội ngũ còn thiếu, chất lượng còn nhiều hạn chế so với yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Theo dự báo, để đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đến năm 2015, nước ta sẽ cần tối thiểu 12.000 luật sư, và năm 2020, cần tối thiểu 18.000 luật sư. Những con số này không dễ đạt được, bởi tính đến giữa năm 2011, chúng ta mới có 6.250 luật sư và khoảng 3.000 người tập sự hành nghề. Chúng ta đang có tỷ lệ 1 luật sư trên 14.000 người dân, trong khi Thái Lan là 1/1.526, Pháp là 1/1.000, và Hoa Kỳ là 1/250.
Con số về luật sư ở nước ta chưa nói lên điều gì cả, bởi có rất ít luật sư Việt Nam được đánh giá ngang tầm khu vực chứ chưa dám so sánh với các nước có nghề luật sư lâu đời.
Có người nhận xét, luật sư Việt Nam chỉ quen “đánh du kích”. Tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tư vấn doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp, đại diện pháp lý ủy quyền, làm chứng... làm được tuốt. Điều này dẫn đến thiếu các luật sư chuyên sâu từng lĩnh vực. Và luật sư nào cũng học được “võ” của thầy để ra làm riêng, khiến các công ty, văn phòng luật khó giữ chân nhân viên để có thể trở thành hãng luật hùng mạnh.
Có người nói, muốn “đánh chính quy” cũng khó, bởi các cơ quan, cán bộ tiến hành tố tụng chưa đánh giá đúng vai trò của luật sư, còn các doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên, chỉ khi gặp sự cố mới đôn đáo tìm thầy chạy thuốc.
“Chiến lược phát triển luật sư” Thủ tướng vừa phê duyệt đã cho thấy sự nhìn nhận rất mới của Đảng và Chính phủ đối với nghề luật sư. Văn bản này nêu rõ: “Có chính sách quan tâm, thu hút các luật sư có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, để tạo nguồn tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp và các vị trí khác trong cơ quan nhà nước”.
Đội ngũ luật sư chúng ta hiện nay, số lượng khá lớn là những người từng công tác trong các cơ quan tiến hành tố tụng, đào tạo, nghiên cứu. “Chiến lược phát triển luật sư” sẽ tạo ra một dòng chảy mới, theo hướng ngược lại: Những luật sư chuyên nghiệp, sau thời gian hành nghề tạo dựng được uy tín, sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các cơ quan tư pháp, lập pháp, hành chính...
Đây là một cơ hội, một động lực cho các luật sư Việt Nam, và cho các bạn trẻ đang có ý định đi theo nghề luật. Khi theo nghề này, họ không chỉ thể hiện vai trò xã hội của mình thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý, mà còn có cơ hội để chứng tỏ năng lực bản thân, để thoả mãn khát vọng đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho dân tộc, qua việc trở thành cán bộ của bộ máy nhà nước.
Và, để nắm bắt được cơ hội, các luật sư Việt Nam có lẽ nên từ bỏ “đánh du kích”, “đi cửa sau”, quyết không là người “nói dựa” của các cán bộ tố tụng, mà phải là những nhà phản biện chuyên nghiệp. Không chỉ am hiểu pháp luật, họ phải luôn thấu hiểu những vấn đề của người dân, của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những ý kiến có căn cứ pháp luật và cơ sở thực tế, độc lập và khách quan.
Họ sẽ phải rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng, từ quản lý văn phòng đến trình bày vấn đề trước đám đông, giao tiếp - đàm phán trong nước và quốc tế...
Với những tố chất và kỹ năng đó, khi được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các cơ quan nhà nước, các luật sư sẽ trở thành những cán bộ mà người dân, doanh nghiệp, và chính các luật sư đồng nghiệp trước đó của họ có thể gửi gắm niềm tin.