Cơ hội mang tính lịch sử

TP - Soạn thảo Hiến pháp, cho dù chỉ là sửa đổi thôi, cũng phải coi là cơ hội mang tính lịch sử, bởi lẽ hiệu ứng của nó với đời sống sẽ là hàng chục năm và thậm chí lâu hơn nữa. Nếu chúng ta mong muốn Hiến pháp có giá trị tương đối bền vững,

> Nhân dân phải được tham gia phản biện
> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiểm tra thực hiện Nghị quyết T.Ư 4

một trong những vấn đề quan trọng nhất được ghi trong tất cả các Hiến pháp và cũng là tư tưởng chỉ đạo của chúng ta là quyền phúc quyết của dân.

Vừa rồi tôi có được tham gia vào bộ phận biên tập của Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, phải nói rằng Ban này đã làm việc hết sức công phu, hết sức cầu thị lắng nghe, sau khi được tiếp nhận rất nhiều ý kiến nhân dân đóng góp, cuối cùng ra được Dự thảo lần thứ 3.

Chúng ta biết rằng từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 đều có nói đến quyền cơ bản của người dân là quyền tự do hội họp trong đó có biểu tình, quyền lập hội và trưng cầu dân ý.

Nhưng gần 70 năm rồi chúng ta vẫn chưa cụ thể hóa, luật hóa, vì thế, người dân không có công cụ để thể hiện trực tiếp ý kiến của mình.

Trong khi đó dự kiến chương trình lập pháp nhiệm kỳ này mà Quốc hội đang bàn thảo, những cái đó vẫn tiếp tục “treo”. Không thấy ai nói rằng, trong thời gian gần đây chúng ta sẽ có Luật Biểu tình, mặc dù Chính phủ cũng đã đề nghị Quốc hội nên có Luật Biểu tình; cũng chưa thấy đưa vào chương trình làm luật, pháp lệnh của Quốc hội Luật Lập hội, dù nhiều lần vấn đề này đã đưa ra Quốc hội thảo luận; rồi đến Luật trưng cầu dân ý cũng thế.

Nên tôi cho rằng, nếu coi Hiến pháp (kể cả chỉ sửa đổi thôi) là một cơ hội lịch sử thì cần nhanh chóng có được những công cụ ấy, để sau này chúng ta có thể thấy các bản Hiến pháp sửa đổi thực sự là bản Hiến pháp do người dân phúc quyết, người dân có cơ hội, có tổ chức để bày tỏ ý kiến của mình và có phương thức có thể định lượng được để bày tỏ ý kiến góp ý đó.

Tôi cho rằng việc tiếp tục lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết. Thời điểm thông qua tùy thuộc quyết định của Quốc hội, nhưng nếu như Quốc hội thông qua Hiến pháp mà có được những công cụ mà tôi nêu ở trên thì chắc chắn sẽ thể hiện được quyền phúc quyết của người dân hơn.

Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải thể hiện được tiếng nói của người dân. Bản thân tôi, để thể hiện trách nhiệm ấy, tôi sẽ phát biểu vấn đề này trong các phiên thảo luận.

Theo Báo giấy