Có cơ chế đặc thù, TPHCM sẽ giảm kẹt xe

TP - Đó là khẳng định của đại biểu Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trong phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khoá IX diễn ra vào chiều 4/12.  
Ùn tắc giao thông tại vòng xoay Mỹ Thuỷ trên đường vành đai 2 (TPHCM).

Ông Cường cho biết khi triển khai chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, sau khi cân đối các nguồn vốn, HĐND TPHCM đã quyết định ghi vốn 122 nghìn tỷ đồng triển khai trong 5 năm (2016 -2020), tức chỉ gần 25% so với nhu cầu thực tế (hơn 500 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, trên thực tế, con số thực chi còn thấp hơn nhiều. Qua 2 năm đầu tiên (2016 -2017), TPHCM mới bố trí 21.600 tỷ đồng cho chương trình này. Dự kiến, trong 3 năm còn lại, TPHCM sẽ chi thêm khoảng 41.000 tỷ đồng.

Với số tiền khá ít ỏi, Sở GTVT TPHCM đã thực hiện có một số công trình giảm kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Trong hai năm qua, TPHCM đã xây mới trên 100 km đường giao thông (đạt 39%), đưa vào khai thác 21/76 cây cầu.

“Các chỉ tiêu về quỹ đất dành cho giao thông; mật độ đường giao thông/diện tích đất đô thị có tăng nhưng rất chậm. Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội cho phép, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tăng và Sở GTVT đang xây dựng kế hoạch để triển khai cơ chế này”, ông Cường cho biết.

Tư lệnh ngành giao thông ở TPHCM cho biết cơ chế đặc thù cho phép TPHCM giữ lại vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp, 50% tiền sử dụng đất khi bán đất công của các cơ quan đơn vị trung ương đóng trên địa bàn sẽ tạo nguồn lực rất lớn để đầu tư cho giao thông.

Trước mắt, TPHCM phải khép kín đường Vành đai 2. Công trình đáng ra phải xong từ năm 2010. Nghị quyết kỳ họp trước của HĐND TPHCM xác định đến 2020 phải đưa công trình trên vào khai thác cùng một phần đường Vành đai 3. Hiện nay, đường Vành đai 2 còn 14 km qua các quận 8, Thủ Đức, huyện Bình Chánh.

Theo tính toán, nếu chỉ đầu tư giai đoạn 1, TPHCM sẽ cần hơn 14.000 tỷ đồng để khép kín Vành đai 2, cao hơn so với số tiền đầu tư cho toàn ngành giao thông TPHCM trong năm 2017 (khoảng 11.300 tỷ đồng).

“Số tiền đó cân đối từ đâu? Từ cơ chế đặc thù. Ngoài ra, TPHCM sẽ ứng vốn làm trước một đoạn đường Vành đai 3 qua Hóc Môn, Củ Chi. Số tiền này ngân sách trung ương sẽ trả sau. Vừa qua, một số dự án BT đang triển khai đã tạm dừng để ưu tiên cho cơ chế đặc thù này”, ông Cường cho hay.

Xã hội hóa xử phạt hành chính

Theo đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị, TPHCM đã có cơ chế đặc thù. Vừa qua, thành phố cũng quyết định sẽ tăng các mức phạt vi phạm về giao thông, xả rác… nhưng thực tế xử phạt rất ít nên tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp.

“Các hành vi xả rác ở khu vực trung tâm thành phố, nơi công cộng rất phổ biến nhưng thành phố kêu không có nhân lực. Tại sao không xã hội hóa việc kiểm tra, xử phạt như Thái Lan và một số nước đã làm và làm rất tốt việc này”, ông Quang đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) thừa nhận TPHCM đã cho lắp đặt nhiều thùng rác công cộng dọc các tuyến kênh rạch nhưng nạn xả rác vẫn không giảm. Bình quân mỗi ngày, các công nhân công ty Môi trường đô thị vớt khoảng 7-8 tấn rác thải trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (có lục bình thì lên tới 16 tấn/ngày). Còn lưu vực kênh Đôi, kênh Tẻ mỗi ngày vớt 42 - 43 tấn rác (có lục bình lên tới 60 tấn/ngày).

Bà Mỹ cho biết quản lý kênh rạch hiện do nhiều cơ quan đơn vị như GTVT, TNMT, NN&PTNT, trung tâm chống ngập… cùng chịu trách nhiệm nên dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy quản.

Lãnh đạo Sở TNMT thừa nhận khó khăn nhất hiện nay là tổ chức lực lượng xử phạt. TPHCM đã có quy định xử phạt các hành vi vi phạm, từ phân loại rác tại nguồn, vận chuyển rác, vứt xả rác… nhưng việc thực hiện rất khó vì các hành vi trên diễn ra trong một thời khắc rất nhanh, việc bắt quả tang, lập biên bản xử phạt không dễ.

“Sắp tới TPHCM sẽ tổ chức lực lượng liên ngành để thực hiện việc xử phạt kèm các thiết bị ghi hình. Những khu vực nào thường xuyên xảy ra vi phạm thì sẽ lắp camera, biển báo…để ngăn ngừa các hành vi vi phạm, nhưng phải thừa nhận là… rất khó. Với cơ chế đặc thù, TPHCM có thể xã hội hóa. Sở xin tiếp thu và bàn bạc với các quận huyện để trình UBND thành phố quyết định”, bà Mỹ cho hay.

Theo ông Bùi Xuân Cường, việc tăng các mức xử phạt về môi trường, giao thông, Nghị quyết 54 của Quốc hội không cho phép. TPHCM chỉ được đề xuất và thu các loại phí mới. Đối với các mức phạt, Luật cho phép TPHCM tăng gấp 2 lần so với khung hình phạt đã quy định.  

Nhiều cán bộ TPHCM bị kỷ luật

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 diễn ra vào sáng 4/12, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ về việc nhiều cán bộ bị kỷ luật, đó là những yếu kém trong hệ thống Đảng liên quan đến thiếu trách nhiệm, tham nhũng. Những việc này làm người dân phàn nàn. Chẳng hạn mới đây tại quận 8 có 20 trường hợp bị kỷ luật nhưng không có trường hợp nào nội bộ phát hiện.

“Có tham nhũng không? Có một bài học biết rồi nhưng tôi vẫn muốn nói lại. Vi phạm này không chỉ một cá nhân làm được mà có người cùng công tác biết. Việc này phản ánh sự yếu kém trong công tác giám sát đối với đảng viên, để vi phạm kéo dài. Dưới góc độ Ban Thường vụ Thành ủy, chúng tôi nhận thiếu sót này. Sắp tới, Thành ủy có trách nhiệm khắc phục chuyện này và báo cáo lại HĐND thành phố”, ông Nhân nói.