Ả-rập Xê-út được cho là từng mua các tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ tự chế tạo, cho đến bây giờ, CNN dẫn 3 nguồn tin nắm được thông tin tình báo cho biết.
CNN nói rằng những hình ảnh vệ tinh mà họ có được cũng gợi ý rằng Ả-rập Xê-út đang chế tạo vũ khí tại ít nhất một địa điểm.
Trong những tháng gần đây, các quan chức thuộc nhiều cơ quan của Mỹ, bao gồm Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng, đã được báo cáo thông tin tình báo mật về việc chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo nhạy cảm giữa Trung Quốc và Ả-rập Xê-út, hai nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden giờ đang đối diện với những câu hỏi cấp bách rằng liệu những tiến bộ về tên lửa đạn đạo của Ả-rập Xê-út có thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh ở khu vực và làm phức tạp nỗ lực tái đàm phán thoả thuận hạt nhân với Iran, trong đó có các điều khoản kiềm chế phát triển công nghệ tên lửa, hay không. Mỹ, châu Âu, Israel và các quốc gia vùng Vịnh đều chia sẻ mục tiêu này.
Iran và Ả-rập Xê-út là kẻ thù lâu năm và có thể Tehran sẽ chỉ đồng ý dừng chế tạo tên lửa đạn đạo nếu Ả-rập Xê-út cũng làm như vậy.
“Trong khi dư luận đang chú ý đáng kể vào chương trình tên lửa đạn đạo của Iran thì việc Ả-rập Xê-út chế tạo tên lửa đạn đạo không được chú ý đúng mức”, Jeffrey Lewis, một chuyên gia về vũ khí và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, nói với CNN.
“Việc Ả-rập Xê-út tự sản xuất tên lửa đạn đạo gợi ý rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế phổ biến tên lửa cũng cần sự tham gia của các nhân tố khu vực, như Ả-rập Xê-út và Israel, khi hai nước này đang tự làm tên lửa đạn đạo”, ông Lewis nói.
Hội đồng An ninh quốc gia và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ chối bình luận thông tin trên.
Khi được hỏi liệu có chuyện chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo nhạy cảm giữa Trung Quốc và Ả-rập Xê-út gần đây, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN rằng hai nước là “đối tác chiến lược toàn diện” và “vẫn duy trì hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại quân sự”.
“Sự hợp tác đó không vi phạm luật quốc tế và không liên quan đến việc phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt”, tuyên bố nói.
Thách thức với ông Biden
Từ năm 2019, các cơ quan tình báo Mỹ đã biết Ả-rập Xê-út đang hợp tác với Trung Quốc để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ban đầu không tiết lộ thông tin tình báo mật với các thành viên quan trọng của Quốc hội, khiến phe Dân chủ phẫn nộ sau khi nhận được thông tin này qua các kênh bên ngoài. Điều đó khiến phe Dân chủ chỉ trích chính quyền ông Trump quá mềm mỏng với Ả-rập Xê-út. Các chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân còn cho rằng việc chính quyền ông Trump không hành động đã khiến Ả-rập Xê-út tiếp tục mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo.
“Thông thường Mỹ sẽ gây sức ép để Ả-rập Xê-út không phát triển năng lực đó, nhưng những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Ả-rập Xê-út phát triển năng lực đó trong kỷ nguyên của ông Trump. Chính quyền ông Trump không hứng thú với việc gây sức ép với Riyadh trong vấn đề này”, ông Ankit Panda, một chuyên gia về vũ khí và chính sách hạt nhân tại Viện Hoà bình quốc tế Carnegie, đánh giá.
Trong mấy tháng qua, một số nghị sĩ Mỹ đã được báo cáo về việc chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo giữa Ả-rập Xê-út và Trung Quốc, các nguồn tin nói với CNN.
Các nguồn tin cho biết chính quyền Biden đang chuẩn bị trừng phạt một số tổ chức liên quan đến việc chuyển nhượng này, nhưng một số nghị sĩ lo rằng Nhà Trắng không sẵn sàng trừng phạt nặng chính quyền Ả-rập Xê-út. Trong tình hình đàm phán hiện nay với Iran, chương trình tên lửa của Ả-rập Xê-út có thể khiến vấn đề vốn đã chông gai càng trở nên khó khăn hơn.
“Một chương trình tên lửa mạnh mẽ của Ả-rập Xê-út có thể gây ra những thách thức mới trong việc kiềm chế các chương trình tên lửa khác ở khu vực. Sẽ khó để Mỹ kiềm chế tên lửa của Iran nếu không có kiềm chế tương đương với chương trình của Ả-rập Xê-út”, ông Panda nhận định.