Đoán chừng thời điểm nhà văn hạ cánh xuống Nội Bài, vừa nhấn máy thì chất giọng không trầm trầm cố hữu mà nặng cất lên: Chuyện gì lúc này! Đang bấn xúc xích lên đây. Đang phải đưa bà nhạc (mẹ nhà văn Vũ Thị Hồng) cấp cứu ở 108...
Chiều muộn nghe tin may, sức khỏe bà cụ đã khá... Buổi tối, tôi mò đến khu tập thể nhà binh Lý Nam Đế...
Mà cũng lạ, cứ dính vào chuyện đi Mỹ cứ lật đật thế nào?
Chu Lai nhả vội hơi thuốc lào đang kéo dở cười cái hệch.
À, cậu đang nhắc đến cái đoạn 20 năm trước đó hả? Nhưng lần này may, bà mẹ vợ mình chỉ ốm xoàng thôi...
Hai mươi năm trước, lần ấy Trung tâm William Joiner của cựu binh Kevin Bowen mời bốn nhà văn Việt Nam sang Boston. Cuộc thăm thú làm việc đang nồng thì bất ngờ nhà văn Chu Lai nhận được tin khủng, bà cụ thân sinh đột ngột qua đời. Nhoáng nhoàng, tốc tả ra sân bay về trước. Chặng đường trời nhiều giờ bay với bao tâm trạng mệt mỏi buồn thương... Lại nhiêu khê transit mất 14 tiếng đồng hồ ở sân bay Bangkok. Chu Lai chữ nghĩa vốn trù phú thế mà phải mượn một câu của nhà thơ nọ mỗi phút giây chờ đợi dài như cả một kiếp người!
Trong lúc đợi nối chuyến bay về Nội Bài, Chu Lai đến phòng hút thuốc âm thầm đốt một điếu cứ để nó ngún khói như thế coi như nén hương tạ lỗi mẹ.
Xuống Nội Bài, đã thấy cái xe U-oát đi đón và nhà văn Vũ Thị Hồng mắt đỏ hoe đứng bên. Tốc tả thế mà vẫn không kịp đưa tang mẹ. Chiếc xe phóng nhanh về nghĩa trang Thanh Tước.
Tròn 20 năm lại quay lại đất Hoa Kỳ, lần này được Tổng Bí thư mời hay trong nhóm báo chí tháp tùng?
Mình trong nhóm nhân sĩ ngoại giao nhân dân. Có cựu binh, nhà hoạt động tôn giáo...
Không phải nhọc nhằn như cánh báo chí tháp tùng sáng trưa chiều tối đều phải có bài tin email gửi về tòa soạn. Là nhà văn cũng sướng, không bị câu thúc bài vở… Nhưng vốn là người tham công tiếc việc, Chu Lai đã gõ gì vào laptop từ hôm đi? Và đã găm gì vào đầu rồi?
Không laptop, không máy ghi âm, máy ảnh, không cả điện thoại. Mình muốn hành trang thật gọn nhẹ và cái đầu cũng thật thoáng, không vướng víu cái gì, mong có thời gian và điều kiện để mà cảm nhận và tiêu hóa đến cùng những sự kiện này khác được chứng kiến...
Một số sự kiện quan trọng gần như điểm nhấn của chuyến thăm, anh tiếp cận và can dự như thế nào?
Mình và nhiều thành viên khác có thiệt thòi là không phải sự kiện nào cũng được tham gia do nhiều nguyên nhân. Chả hạn điểm nhấn sự kiện Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, nhiều người không được dự, trong đó có mình. Cũng phải thôi, phải là các yếu nhân và thành viên chủ chốt... Nhưng nói luôn nhé, nếu được tận mục sở thị cái bắt tay và cái cả cười lịch sử giữa nguyên thủ của một cường quốc như Hoa Kỳ với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thì mình đủ sức tải ra vài chục trang sách...
Vốn là người nhạy cảm trong đám viết lách, tuy không được chứng kiến, nhưng thể nào nhà văn Chu Lai lại vơi vợi đi những ấn tượng?
Cậu biết mình hơi bị ấn tượng cái gì không? Là khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng cụm từ thú vị để gọi tên cuộc gặp. Mình không biết các thông dịch viên chuyển ngữ chữ thú vị sang tiếng Tây như thế nào? Người ta có thể nói, một cuộc gặp hiếm có là hy hữu, là lịch sử, là thẳng thắn, chất lượng này nọ... Nhưng Tổng Bí thư đã bất ngờ dùng chữ thú vị. Mà thú vị trong tiếng Việt nó nhiều tầng nấc của đa tầng đa nghĩa. Mình cho đó là cách dùng từ rất dân chủ để mở rộng biên độ cho những suy nghĩ, cảm nhận khác nhau?
Thứ nữa, khi Phó Tổng thống Joe Biden lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư, mình chợt nghĩ thế này, có vẻ như các vị lãnh đạo phương Tây, Âu Mỹ là những nhà Việt Nam học trứ danh? Ông Tổng thống Bill Clinton khi thăm Việt Nam năm 2000, không dài dòng lê thê về một chất lượng mới trong quan hệ Việt-Mỹ, đã bất ngờ lẩy câu Kiều Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân. Ông Phó Biden này cũng vậy với câu Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. Nói thêm nhá, mình đâm ngờ ngợ cái ông Phó Tổng này, có thể đã biết rõ Tổng Bí thư nhà mình từng học tổng hợp Văn, từng thuộc Kiều. Và biết cả thời điểm khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, ông tân Chủ tịch Quốc hội cũng lẩy hai câu Kiều ý chừng muốn biểu đạt một sắc thái của sự khiêm tốn rằng Xét mình phận mỏng cánh chuồn/ Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng? Nên ông đã lanh lẹ đồng thanh tương ứng ứng đồng khí tương cầu trong bữa chiêu đãi?
Chừng như để tự thưởng cho mình, Chu Lai vớ lấy cái điếu và bất chợt cười suýt nghẹn khói.
Và nữa, như một cách nhắc nhở khéo rằng, năm nay là năm kỷ niệm chẵn 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du, các nhà chức việc có trách nhiệm phải tổ chức cho chu đáo kẻo cụ quở...
Còn ấn tượng gì nữa?
Và bí quyết để lịch sử dân tộc sáng choang lên là khối đại đoàn kết, từ đời Trần, Lý, Lê và thời đại Hồ Chí Minh hiện nay. Bản chất hòa hợp nằm ngay trong trái tim người Việt khi còn đang tranh đấu. Ví dụ, thời tôi là lính đặc công có những đêm nằm dưới chân kẻ thù, nghe ở trên người Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa nói chuyện đời thường với nhau. Lúc đó, mình thèm khát đứng dậy vô cùng, vỗ vai nhau: Thôi, đánh nhau đủ rồi các cậu ơi. Bây giờ tôi với các cậu ra phố làm một tô hủ tiếu, sau đó hát với nhau một bài rồi về. Nhưng đồng hồ chỉ đến giờ rồi là phải bật nụ xòe, là điểm hỏa…
Nhà văn Chu Lai
Đã hết đâu! Ta cứ nói hòa hợp dân tộc. Đó là khái niệm. Nhưng có lẽ phải tìm ra cái kênh sinh động để thực hiện. Một trong cái kênh cốt tử ấy là cung cách nói chuyện. Mình bất ngờ khi chứng kiến cuộc nói chuyện của Tổng Bí thư với bà con, trí thức Việt kiều. Toát lên âm hưởng dung dị, nhẹ như gió thoảng, khe khẽ, mềm mại. Hóa ra ở đời mọi đối sách để tìm ra chân lý, tìm ra tình yêu không có nghĩa cứ phải đanh thép, cao đàm khoát luận mà chỉ cần khe khẽ, đủ vừa. Tôi cho rằng, bài nói chuyện của Tổng Bí thư với bà con Việt kiều, đại diện lãnh đạo tôn giáo, các tầng lớp xã hội hai nước trong chuyến thăm đi vào lòng người theo kiểu dân gian. Nếu đi vào tình yêu thì người ta không thể nói những điều vu khoát. Rất chi là ngại những buổi gặp gỡ, nói chuyện với cung cách ấy… Tổng Bí thư lại nói những điều quá cao to, quá lớn lao thì có khi khó vào lòng người. Nhưng ông đến với bà con Việt kiều, các tầng lớp xã hội hai nước bằng trái tim. Trái tim với quy luật thì thủ thỉ, khe khẽ, nhẹ nhàng, thấm sâu.
Hôm đó, ngồi ở dưới, mình có cảm giác hết thảy lắng nghe như lắng nghe những tâm hồn của dân tộc vọng từ Việt Nam sang Washington, sang New York, đi thẳng vào lòng người mà không qua tầng lý trí nào. Ở đây vấn đề không phải chỉ là hệ ngôn ngữ, mà là trạng thái tâm hồn Việt, lịch sử Việt, vị thế Việt Nam đã bắt đầu vượt sóng trùng khơi để vào với trái tim bà con Việt kiều. Tôi cho rằng, điều đó là bền bỉ, thủy chung nhất, chứ không phải những tiếng hoan hô tức thời, những nụ cười mong manh mà rõ ràng từ trong chiều sâu, trong mắt của bà con Việt kiều có độ rung đằm thắm vô cùng. Đấy gọi là đại đoàn kết.
Và bí quyết để lịch sử dân tộc sáng choang lên là khối đại đoàn kết, từ đời Trần, Lý, Lê và thời đại Hồ Chí Minh hiện nay. Bản chất hòa hợp nằm ngay trong trái tim người Việt khi còn đang tranh đấu. Ví dụ, thời tôi là lính đặc công có những đêm nằm dưới chân kẻ thù, nghe ở trên người Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa nói chuyện đời thường với nhau. Lúc đó, mình thèm khát đứng dậy vô cùng, vỗ vai nhau: Thôi, đánh nhau đủ rồi các cậu ơi. Bây giờ tôi với các cậu ra phố làm một tô hủ tiếu, sau đó hát với nhau một bài rồi về. Nhưng đồng hồ chỉ đến giờ rồi là phải bật nụ xòe, là điểm hỏa… Quy luật chiến tranh nó nghiệt ngã như vậy. Nhưng từ trong trái tim là chỉ muốn đứng dậy ôm hôn nhau. Ngày giải phóng đầu tiên, tôi và đồng đội tôi không hề có sự hận thù hay hằn học nào khi nhìn thấy người bên kia, kể cả người Mỹ. Tức là bản thân dòng máu Lạc Hồng này đã chứa sự hòa hợp từ căn cốt bên trong. Nếu phải nện vào mặt nhau thì đó là quy luật sinh tồn của những đường lối khác nhau. Không ai dễ bỏ qua chuyện cũ hơn là những người lính đã từng nện vào mặt nhau. Nhưng tôi đòi hỏi sòng phẳng. Lịch sử phải sòng phẳng. Ngày đó Mỹ - cậu thua tôi - nếu cậu chấp nhận được sự thật ấy thì tôi với cậu đi hát karaoke.
Thể loại nào đang cựa quậy sau chuyến đi này?
Viết hả? chưa định cái gì cả. Nhưng nếu cần thì dễ dàng bày biện lẫn lôi tuột những thứ từng nằm lòng những cảm nhận, chiêm ngẫm…
Một câu cuối, nhà văn Chu Lai giải quyết khoản doping để gây cảm hứng những ngày trên đất Mỹ thế nào? Xin lỗi, đừng hiểu lầm… Là tôi muốn nói đến cái khoản thuốc lào ấy mà?
(Cười cái hậc) Cậu cũng từng đây đó không biết giải quyết cái thói quen khốn nạn ấy ở xứ Mỹ thế nào? Lệch múi giờ ngày thành đêm và lộn lại. Cái giống khó ngủ thì lại hay thuốc vặt. Mà việc hút, thuốc lá lẫn thuốc lào đều cấm ngặt như nhau. Từ tầng 30 của khách sạn ở New York, mình bỏ cái điếu mini vào túi, tuột thang máy xuống tầng trệt. Lại xê dịch cách cửa khách sạn vài trăm mét. Ở vị trí đó, thuốc lá, thuốc lào được phép hút như nhau. Có hôm đám cảnh sát quân cảnh thấy mình kéo cái tẩu tre tò mò cho xin hút thử. Có cậu nằm lăn quay lơ.
Tặng cậu cái ảnh đang kéo thuốc lào trước tòa nhà Quốc hội Mỹ. Chao ôi, từng vác cái điếu dọc Trường Sơn một thời máu lửa, nay lại vác điếu sang tận đất Mỹ. Cũng thú vị đấy chứ nhỉ?