Trại Davis là một trại quân sự nằm ở phía tây nam căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, nhưng thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Hoạt động trong lòng địch
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi và đồng chí Ngô Ngân đang công tác tại Trung đoàn 75 Trinh sát kỹ thuật thuộc Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng Tham mưu (nay là Trung tâm 75 - Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng) cùng với đồng chí Nguyễn Trọng Tô ở Phòng 72 - Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng Tham mưu (nay là Phòng 72 - Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng) được thủ trưởng Cục Nghiên cứu triệu tập và giao nhiệm vụ.
Tôi và đồng chí Ngân có nhiệm vụ trinh sát phát hiện các hoạt động quân sự, chính trị của địch để báo cáo với thủ trưởng 2 đoàn: Đoàn A (Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Đoàn B (Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Thủ trưởng trực tiếp để chúng tôi nhận chỉ thị và báo cáo hằng ngày là đồng chí Nguyễn Đôn Tự (Đoàn A) và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Đoàn B). Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi không khỏi lo lắng. Chúng tôi phải độc lập hoạt động ngay trong lòng địch. Tôi làm nghiệp vụ trinh sát toàn bộ hoạt động của quân ngụy, đồng chí Ngân phát hiện sự dính líu quân sự của Mỹ sau Hiệp định Paris, hoặc sự quay lại của quân Mỹ (nếu có).
Căn cứ Tân Sơn nhất năm 1973.
Chúng tôi nhận trang bị kỹ thuật, vận chuyển bằng máy bay C130 của Mỹ từ Hà Nội vào Sài Gòn. Chúng tôi triển khai trang bị vào cuối tháng 3/1973 và luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của cán bộ, nhân viên 2 phái đoàn, như tạo điều kiện triển khai trang bị nhanh gọn, an toàn, bí mật để có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát (lúc đó, xung quanh Trại Davis có hàng chục vọng gác cao của quân cảnh, cảnh sát, an ninh ngụy theo dõi mọi hoạt động của 2 đoàn).
Sau 3-4 ngày, chúng tôi đã có báo cáo về đầu tiên về số lượng máy bay hằng ngày của Sư đoàn 1 không quân ngụy ở Đà Nẵng với nội dung có bao nhiêu phi đoàn chiến đấu, loại gì, một phi đoàn có bao nhiêu phi đội, một phi đội có bao nhiêu phi cơ. Tiếp đến là các phi đoàn trực thăng chiến đấu, phi đoàn vận tải, phi đội trinh sát...
Sau đó là báo cáo về số lượng máy bay đang khiển dụng (đang hoạt động), số lượng máy bay bất khiển động (bị hỏng không hoạt động)... Trong đó chú trọng số lượng máy bay của Sư đoàn 1 không quân và kế hoạch hoạt động ngày hôm sau oanh tạc, bắn phá ở đâu trong vùng giải phóng. Bản tin đầu tiên đã được gửi đến đồng chí Tự và đồng chí Tuấn. Hai thủ trưởng rất phấn khởi.
Từ kết quả trinh sát Sư đoàn 1 không quân, chúng tôi đã phát triển nhiệm vụ và phát hiện tiếp các hoạt động của Sư đoàn 2 không quân ở Pleiku chịu trách nhiệm yểm trợ cho vùng 2 chiến thuật - Quân khu 2, Quân đoàn 2 mà trực tiếp là Sư đoàn 22, Sư đoàn 23 của Quân đoàn 2 và các đơn vị khác đang hoạt động ở Quân khu 2.
Sư đoàn 3 không quân ở Biên Hòa yểm trợ cho Quân khu 3, Quân đoàn 3 ngụy mà trực tiếp là Sư đoàn 18, Sư đoàn 5, Sư đoàn 25 thuộc Quân đoàn 3 và các đơn vị khác đang hoạt động ở vùng 3 chiến thuật. Sư đoàn 4 không quân ở Bình Thủy Cần Thơ yểm trợ cho các đơn vị vùng 4 chiến thuật, Quân đoàn 4 - Quân khu 4 mà trực tiếp là Sư đoàn 21 bộ binh, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 bộ binh và các đơn vị khác thuộc vùng 4 chiến thuật, đặc biệt là Sư đoàn 5 không quân ở ngay Tân Sơn Nhất bên cạnh Trại Davis.
Không có tin vẫn được khen
Chúng tôi tổng hợp và báo cáo thường xuyên lên thủ trưởng Tuấn và thủ trưởng Tự với nội dung - tiềm lực của không quân ngụy (không lực Việt Nam Cộng hòa) và mức độ đánh phá vùng giải phóng, khu vực địch đánh phá, yểm trợ cho những đơn vị nào, đặc biệt là những nơi địch hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.
Sau mục tiêu không quân, chúng tôi trinh sát đến mục tiêu, lực lượng cơ động của quân ngụy, cụ thể là sư đoàn nhảy dù và sư đoàn thủy quân lục chiến lúc đó thường xuyên cơ động trên cả 4 vùng chiến thuật. Sau đó, chúng tôi được cấp trên chỉ đạo chỉ tập trung các mục tiêu cơ động quan trọng, còn các mục tiêu khác có thể dự phòng khi cần thiết.
Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong phiên họp 4 bên đầu tiên.
Đối với mục tiêu quân sự của Mỹ, trong tổ chúng tôi, đồng chí Ngân là cán bộ trinh sát chiến trường Mỹ ở Trung đoàn 75, đã cùng với nhiều đồng chí khác góp phần vào thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12/1972.
Mỗi lần đi báo cáo thủ trưởng Tự hoặc thủ trưởng Tuấn, các thủ trưởng vẫn hỏi: “Có phát hiện gì về lực lượng quân sự Mỹ không?”. Rất may là cả hai thủ trưởng đều động viên: “Các đồng chí bảo đảm chắc chắn là không trinh sát được mục tiêu nào của quân Mỹ, thực tế các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi. Vì các đồng chí đã góp phần vào sự khẳng định của cấp trên là lực lượng Mỹ lúc này chưa dám đưa lực lượng quay lại miền Nam Việt Nam”. Đúng là sự nghịch lý của trinh sát kỹ thuật, không có tin mà vẫn được khen thưởng.
Bình ôxy để làm gì?
Khoảng đầu tháng 10/1973, chúng tôi thường xuyên nhận được các báo cáo của f3KQ, f4KQ yêu cầu không đoàn yểm cứ Tân Sơn Nhất cung cấp đầy đủ bình ôxyzen cho các phi đoàn chiến đấu mà chủ yếu là F5 và F5E, nếu không được bổ sung kịp thời, sẽ có nhiều phi đội ngừng hoạt động. Chúng tôi cũng có tin phúc đáp của không đoàn yểm cứ Tân Sơn Nhất thông báo về vấn đề này.
Lúc đầu, chúng tôi thấy tin sự vụ này không liên quan gì để phục vụ tác chiến nên không để ý. Sau đó, Sư đoàn 1, Sư đoàn 2 không quân ở Đà Nẵng và Pleiku cũng liên tục báo cáo xin bổ sung các bình ôxy, nên chúng tôi báo cáo thủ trưởng Tự.
Thủ trưởng hỏi ôxy dùng để làm gì, chúng tôi không rõ. Thủ trưởng Tuấn bảo: Việc này chỉ có anh Thu (Thiếu tướng Đặng Văn Thu - tức Đoàn Huyên - phó trưởng Đoàn B) là cán bộ cao cấp của Phòng không không quân của ta mới biết được.
Tôi được phép báo cáo trực tiếp với đồng chí Thu về tin tức trên. Sau khi xem kỹ các bản tin, thủ trưởng Thu trả lời: “Đúng rồi, máy bay phản lực tốc độ cao, khi tác chiến trên không phải thường xuyên nhào lộn nên rất cần ôxy để bổ trợ nhịp thở phi công. Cho nên các máy bay A06, A37 không cần ôxy mà chỉ có F5, F5E cần.
Việc này phải để các đồng chí biệt động, đặc công của ta xử lý ngay khu liên hợp sản xuất ôxy”. Chúng tôi rất phấn khởi vì bản tin tưởng như không có giá trị đã được cấp trên sử dụng. Sau đó, chúng tôi được biết quân giải phóng đã pháo kích sân bay Biên Hòa, trong khu vực đó có phân xưởng sản xuất ôxy.
Hoạt động bất thường của địch
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là tổ trinh sát chúng tôi kịp thời cung cấp tin tức về hoạt động bất thường của địch để quân ta mở chiến dịch bất ngờ giải phóng Phước Long.
(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)
(Còn nữa)
Ngày 12/9/2011, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho 2 đoàn: Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong ban liên hợp quân sự 4 bên.