Chuyện người cựu chiến binh xây dựng gần 400 ngôi mộ “vô chủ“

TPO - Trong 5 năm qua, ông Trần Xuân Nghiêm đã di chuyển, xây dựng hàng trăm ngôi mộ “vô chủ” từ bãi đất hoang về nghĩa trang của xã. Tấm lòng nhân hậu của người cựu chiến binh làm ai cũng cảm động và nể phục.

Đến thăm nhà cựu chiến binh Trần Xuân Nghiêm (SN 1956), trú tại làng Thượng Lộc, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Tuy nhiên, chỉ có mình bà Phạm Thị Dương (SN 1958, vợ ông Nghiêm) ở nhà còn ông đang bận “tảo mộ” cho những ngôi mộ “vô chủ” ở nghĩa trang xã. Chúng tôi tìm đến thì thấy một người đàn ông đang cặm cụi quét dọn, lau chùi những ngôi mộ không tên. “Ngày mai là rằm tháng Giêng rồi nên tôi ra đây thắp nén hương cho họ ở suối vàng bớt hưu quạnh”, ông Nghiêm chia sẻ.

Ông Trần Xuân Nghiêm

Ông Trần Xuân Nghiêm sinh ra trong gia đình nông dân nghèo với 15 anh, chị em. Đến 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Sau ngày tháng được huấn luyện, cống hiến trong môi trường quân ngũ, ông xuất ngũ trở về quê nhà lấy vợ.

Được xã cấp cho một mảnh đất tại bãi hoang để “cắm dùi” kiếm kế sinh nhai. Xung quanh mảnh đất này là rải rác những ngôi mộ “vô chủ”. Nhiều người ái ngại nên không dám nhận đất ở nơi này. Theo ông Nghiêm: “Lúc xây nhà thì phía dưới nền đất có một số ngôi mộ, nhưng cũng đành vậy. Ngày lễ tết, những ngôi mộ này không có người chăm sóc, theo thời gian hoang hóa, lụi tàn dần. Ý tưởng gom những ngôi mộ này về một chỗ cũng bắt đầu từ đó”.

Nhưng điều kiện gia đình khó khăn, 4 người con tuổi ăn học nên đành gác lại suy nghĩ bốc dời mộ cho những người quá cố. Đến năm 2013, người con đầu đi xuất khẩu lao động gửi 50 triệu đồng về sửa lại ngôi nhà. Ông Nghiêm bàn với vợ dùng số tiền đó, quy tập những ngôi mộ hoang về nghĩa trang xã. “Nghe tôi nói, vợ đồng ý ngay, ngôi nhà dột nát còn có thể ở, nhưng những ngôi mộ không người chăm sóc, trâu bò dẫm đạp, cỏ cây mọc um tùm, xót lắm. Lãnh đạo địa phương ủng hộ, bà con lối xóm nhiệt tình, công tác di dời các ngôi mộ được tiến hành”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm chăm sóc những ngôi mộ "vô chủ" tại nghĩa trang xã.

Chạy đôn đáo mua gạch đá, xi măng, tiểu sành về để xây mộ. Hộ dân nào không có tiền thì góp công. 50 ngôi mộ được xây dựng lên tại nghĩa trang của xã thì số tiền cũng hết. Hết cách, ông Nghiêm lại gọi điện sang cho con trai. Hiểu được tấm lòng của bố, mẹ, người con trai kêu gọi thêm từ bạn bè được gần 100 triệu đồng. Ông Nghiêm lại mùi mẫm bốc mộ cho người dưng.

Đến nay, ông Nghiêm cùng với anh em, làng xóm đã xây dựng được gần 400 ngôi mộ từ bãi đất hoang ra nghĩa trang của xã. Tại đây, những ngôi mộ ốp gạch men khang trang, không tên nhưng gọn gàng, thẳng lối. Giữa những ngôi mộ là một nơi thờ cúng chung.

Ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Nghi Vạn cho biết: “Hành động của ông Nghiêm là rất nhân văn, nhân đạo. Người dân địa phương rất khâm phục và tin yêu ông ấy. Hiện, ông Nghiêm đang làm Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh xóm. Bản chất người lính luôn còn đọng lại trong mỗi con người như ông Nghiêm”.

Hình ảnh người đàn ông mang bó hoa, nén hương ra nghĩa trang xã Nghi Vạn, giờ đây không lạ lẫm gì đối với người dân bản địa. Ở đó, người cựu chiến binh Trần Xuân Nghiêm cặm cụi thắp lên những ngôi mộ không tên nén hương tình thương và lòng nhân hậu.