Chuyện một thủ lĩnh

TP - Lâu lắm mới được ngồi lại với một thương binh người Quảng. Ông nguyên là Chủ tịch Hội cựu TNXP người quê xã Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi - nơi có địa danh Trạm xá mà người anh hùng Đặng Thùy Trâm từng bám trụ nhiều năm.
Ông Nguyễn Anh Liên (bên phải) thăm gia đình cựu TNXP

Âm phò dương trợ?

Năm xa ấy, tôi bám ông cùng chài chãi trên cung chặng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đèo Đá Đẽo, Hang Tám Cô… đất lửa Quảng Bình. Ông nhiệt thành hồ hởi kiên nhẫn tiếp chuyện các cựu binh Trường Sơn cùng TNXP để tiếp nối giải quyết những vấn đề thuộc địa hạt mình quản lý...

Ông bộc bạch cuộc đời ông có 3 tổ chức mà ông gắn bó trưởng thành. Đầu tiên là Đảng, thứ nữa là Đoàn thanh niên Cứu quốc ông tham gia khi đang còn là Đội viên Đội Thiếu niên Tiền Phong cho đến chức danh sau cùng là Thường vụ Trung ương Đoàn. Cuối cùng là Lực lượng TNXP.

Một kỷ niệm những ngày đầu tiên tập kết trên đất Bắc. Khi đó ông là chàng thanh niên với cương vị là Trưởng ban cán sự Đoàn Thanh niên lao động Đường sắt Chi Lăng Lạng Sơn. Đơn vị ông tiếp nhận 200 nữ thanh niên Thủ đô độ tuổi 15-18 do Thành Đoàn Hà Nội chuyển giao. Việc chuyển giao ấy nhằm tạo môi trường không khí vui tươi hòa hợp tình cảm Bắc Nam.  Và ông đã chú ý đến một cô bé khi ấy mới 16 tuổi, con gái một gia đình tư sản Hà thành. Chuyện hai anh chị vượt qua những can gián, ngăn cản này khác để trở thành vợ chồng vào năm 1959 là cả một câu chuyện dài.

Cuối năm 1964, ông được lệnh trở vào miền Nam tăng cường cho tổ chức Khu Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Khu 5. Khi đó ông đương công tác ở Ban thường vụ Đoàn Thanh niên Tổng cục Đường sắt, chủ nhân của một gia đình êm ấm vợ và ba con nhỏ. Trước lúc lên đường về Nam, tất cả các cán bộ phải lấy bí danh để giữ bí mật. Anh cán bộ Đoàn Nguyễn Lào đã thay cái tên mình bằng tên con gái đầu, Nguyễn Thị Anh Liên. 

...Suốt cả dặm dài đất miền Trung trong đợt công tác ấy, luôn toát lên ở ông sự điềm đạm. Và gì nữa, có thứ gì đó gần như là chai lỳ, chịu đựng? Có lẽ ông là người tốt nhịn? Phẩm chất tính cách ấy có vẻ như phù hợp với công tác bí mật của ông suốt từ khi vào Khu V đến ngày giải phóng? Lần ấy về vùng ven Đà Nẵng, đoàn công tác bị phục kích. Ông bị thương vào đầu gối. Suốt một tuần nằm dưới hầm bí mật, vết thương nhiễm trùng nghiêm trọng. Suốt ba tháng ông cắn răng ngồi nhìn y tá dùng dao khoét bỏ những mảng thịt thối do không có thuốc kháng sinh mà cũng không có thuốc tê thuốc giảm đau.

Ông Nguyễn Anh Liên (đầu tiên bên phải) thăm gặp đồng đội TNXP

Cũng trên địa bàn hoạt động vùng ven Đà Nẵng ấy, một đêm ông được gặp một số thiếu niên do cơ sở bố trí. Đèn lửa không có, ông chỉ cảm giác các em còn nhỏ đang đi học nhưng nhiệt tình hăng hái. Qua gặp gỡ chuyện trò, ông lựa được 10 em học sinh có khả năng xây dựng trở thành cơ sở nội tuyến để đánh vào thành phố.

Sau ba đêm gặp gỡ, ông để ý đến một thiếu niên có cặp mắt sáng, lanh lợi thông minh. Cậu đã tích cực cùng các bạn mưu trí dũng cảm bảo vệ ông thoát ra khỏi vòng vây trong trận càn của địch, trở về chiến khu an toàn. Cậu thiếu niên lanh lợi ngày ấy sau này chính là đồng chí Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điềm đạm ít nói, dường như ông Chủ tịch Cựu Hội TNXP sống nhiều về nội tâm? Chặng hành trình xuôi Nam ngược Bắc năm xa ấy, ai cũng lo cho sức khỏe của người thương binh đương gánh chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP. Nhưng cứ mỗi chặng nghỉ ngó mái tóc trắng cước cùng nước da hồng hào và cái cười cởi mở của ông lại thấy yên tâm. Ông cười, các bạn yên chí. Đi đến với TNXP mình lúc nào cũng thấy khỏe.

Đó không phải là một cách nói! Ông như đang được sự linh thiêng của các liệt sỹ phù hộ, chở che?

Ngày 23/12/1972 đợt tập kích B52 vào Hà Nội và các vùng phụ cận trúng cả nơi sơ tán của gia đình bé nhỏ của ông Liên. Cô con gái xinh xẻo đầu lòng Nguyễn Thị Anh Liên mà ông lấy tên để làm bí danh cho mình lúc đi B đã chết vì bom Mỹ.

Buổi chiều hôm đó ông Liên đang chuẩn bị cùng đồng đội trong đội võ trang TNXP rời một ngách hang bí mật ở cùng ven Đà Nẵng lên đường làm nhiệm vụ. Thốt nhiên, ông Liên choáng váng xây xẩm mặt mày rồi khuỵu xuống không biết gì nữa.

Chính vì thời gian cấp cứu chạy chữa cho ông mà đồng đội của ông đã thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Một trận bom ác liệt mở đầu cho một trận càn khốc liệt đã cắt đứt đường của đội công tác. Mãi 5 ngày sau ông và anh em mới được giải vây.

 Khi đó ông Liên không hề biết cô con gái ông cũng vừa mất vì bom Mỹ nơi tít tắp Hoài Đức Hà Tây ngoài Bắc đúng vào thời điểm ông phải cấp cứu. Mãi sau này rất lâu sau biến cố đó ông mới nhận được hung tin!

Rất nhiều lần ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Chẳng hạn như trận bị phục kích, địch dùng mìn claymo thổi tung cả tổ công tác nhưng tình cờ ông chậm lại do vấp ngã mà thoát?

Có thời gian ông liên tục mất ngủ. Nhưng cứ từ 3 giờ sáng trở đi, trong trạng thái nửa ngủ nửa thức ấy, những công việc mà ông trăn trở ban ngày chưa tìm ra cách giải quyết thì lạ thay nó được quyết định rất chóng vánh bằng đường đi nước bước cụ thể cứ như có ai mách bảo vậy?

Chuyện xin thành lập Hội Cựu TNXP toàn quốc là một thí dụ.

Sau nhiều lần chạy đôn đáo, năm 1997 khi Ban liên lạc Cựu TNXP trung ương do ông phụ trách chính thức có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ xin được báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tình hình bức xúc tồn đọng chính sách đối với cựu TNXP kháng chiến. Công văn gửi đi nhưng quá nửa năm mà vẫn không được hồi âm. Ông Liên cứ bức xúc trăn trở.

Đêm đó trở dậy thắp hương bàn thờ gia tiên, thốt nhiên một ý nghĩ bừng lên trong đầu ông rằng mình phải đi gặp một người. Mà người đó là Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt!

Sáng hôm sau, ông tìm tới địa điểm cuộc họp Ban chấp hành TW Đảng rồi ngồi đợi bên ngoài. Giờ giải lao, ông tiến tới Thủ tướng (TT). Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ngạc nhiên khi nghe ông trình bày có cái công văn gửi TT hàng nửa năm như thế... TT xúc động bộc bạch rằng có thể thấy TT bận nhiều việc nên cấp dưới đã không trình. TT Võ Văn Kiệt quyết ngay là sau Hội nghị TW sẽ tiến hành.

Thế là đúng 6 giờ sáng ngày 10/6/1997, một cuộc họp  diễn ra ngay tại phòng họp của TT Võ Văn Kiệt cùng với Phó TT Thường trực Phan Văn Khải. Kết thúc cuộc họp khá chóng vánh này, TT Võ Văn Kiệt hoàn toàn chấp nhận những kiến nghị của Ban Liên lạc TNXP về giải quyết chính sách cho cựu TNXP kháng chiến như người có công với nước và vấn đề khen thưởng thành tích kháng chiến đối với cựu TNXP. Đồng thời, TT hoan nghênh ý tưởng tiến tới thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Rồi chuyện khi đã trở thành Đại biểu QH Khóa XII ở tuổi 75, ông liên tục trong 8 kỳ họp của QH đã kiên trì nhẫn nại xúc tiến việc để cái Nghĩa trang chôn cất hơn 100 TNXP ở Chăn Nưa đất Điện Biên được công nhận là nghĩa trang LS! Mà như ông Liên nói, có rất nhiều chuyện tâm linh như tình cờ được linh hồn LS mách bảo như âm phò dương trợ vậy?

Một thời làm ngự sử

Rồi tại một kỳ họp nọ của QH, tôi được chứng kiến cả Hội trường lặng phắc rồi ồn ào. Đó là khi ĐBQH Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu TNXP chất giọng sang sảng khẩn thiết đề nghị Chính phủ phải kịp thời sửa đổi hoặc ban hành quyết định mới thay cho QĐ 104 đã lỗi thời nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng chính sách đối với Cựu TNXP. Cụ thể đến thời điểm ấy mới giải quyết chế độ chính sách cho khoảng 17 vạn. Vẫn còn trên 19 vạn cựu TNXP chưa được hưởng một chế độ chính sách nào. Sau phiên họp ấy, may mắn Chính phủ đã có cuộc họp do Phó TT Trương Vĩnh Trọng chủ trì. Phó TT đề nghị khẩn trương cho kiểm tra lại tình hình và các cơ quan liên quan phải trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành quyết định mới thay cho QĐ 104.

Ông gặp may hay do âm phò dương trợ? Nhân kỷ niệm 60 ngày truyền thống TNXP (15-7-1950-15-7-2010), Lực lượng TNXP Việt Nam đã được trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng, sau sự kiện đó 5 ngày, Thường trực Ban Bí thư đã chủ động có buổi làm việc với Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam. Có đại diện nhiều Bộ ngành liên quan tham dự.

Kết thúc buổi làm việc, Ban Bí thư đã chỉ đạo các ngành các cấp các địa phương đặc biệt là đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết những đề xuất của Hội Cựu TNXP. Thủ tướng Chính phủ cần xem xét sửa đổi bổ sung hoặc ban hành QĐ mới thay thế QĐ 104/CP về một số chế độ chính sách đối với Cựu TNXP kháng chiến.

Năm 1980, Trưởng Ban Quân sự Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Liên đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện thì có hai người quen đến thăm. Ông Trần Kiên khi đó là Bí thư TW Đảng là thủ trưởng cũ của ông trong 10 năm công tác ở chiến trường Tây Nguyên và Khu V. Ông Phạm Chánh là Ủy viên UB Kiểm tra TW Đảng, người cùng quê Quảng Ngãi với ông. Cuộc gặp này đã dẫn đến bước ngoặt mới đưa ông vào đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng.

Những dấu mốc những kỷ niệm thử thách qua 20 năm công tác ở Ủy ban Kiểm tra TW Đảng thì có nhiều. Nhưng với ông chuyện vượt qua sức ép là thử thách gay go nhất. Một trở ngại nữa đối với cán bộ làm công tác kiểm tra đảng mà ông Liên bộc bạch rằng là phải chiến thắng căn bệnh kiêu ngạo kiểm tra!

Chuyện nữ đại sứ PTP Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tai CH Madagaxca đồng thời là Đại sứ kiêm nhiệm CH quốc đảo Xây sen suýt bị triệu hồi. Những việc làm tỉnh táo công tâm của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW Nguyễn Anh Liên đã kịp thời giải oan cho nữ đại sứ nọ.

Cũng cần nói thêm rằng, khi đưa ra quan điểm và phương thức giải quyết vụ việc ấy, ông Liên đã phải gánh chịu rất nhiều sự dị nghị đồn thổi. Người ta nói do ông Liên từng “3 cùng” với nữ đại sứ PTP (cùng quê, từng cùng khu nhà tập thể, cùng là cán bộ Đoàn - Thường vụ Trung ương Đoàn) nên ra sức bảo vệ cho nữ đại sứ PTP (?!).

Rồi cả chuyện tướng Lê Thế Tiệm suýt mất chức như thế nào nữa…

Mọi người đều biết vụ án ma túy Vũ Xuân Trường năm 1997. Trường và Chỉnh đã lập mưu làm phương án giả trình lên Lãnh đạo Tổng cục cho xe đưa tang vật ra ngoài nói là để câu nhử bắt thêm đối tượng! Trường và Chỉnh còn lợi dụng mối quan hệ thân tình trước đây với một số cán bộ công an hòng làm giảm nhẹ tội nên đã khai báo rất nhiều vấn đề phức tạp gây nhiễu loạn thông tin điều tra. Vũ Xuân Trường tập trung khai thiếu tướng Lê Thế Tiệm là người biết rõ quá trình công tác và thành tích xuất sắc nhiều năm của Trường nên đã đưa Trường từ Lai Châu về bổ sung cho đội đặc nhiệm của Bộ.

Nhớ lại chuyện cũ, ông Liên thở dài, vốn nặng tư tưởng thành tích nên một số cán bộ kiểm tra khi vào cuộc đã xoáy sâu vào các tình tiết có liên quan đến thiếu tướng Lê thế Tiệm rồi suy diễn, quy kết có tính chất võ đoán. Khi áp lực dư luận càng nặng thì biểu hiện căn bệnh kiêu ngạo kiểm tra càng tăng. Và thái độ phương pháp của một số cán bộ kiểm tra điều tra càng cực đoan trịch thượng. Vậy nên nhiều cán bộ trong Đoàn kiểm tra đã thống nhất ý kiến báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, cách chức Thứ trưởng Bộ công an và hạ hàm cấp tướng xuống cấp tá đối với thiếu tướng Lê Thế Tiệm!

Trong đoàn kiểm tra, ý kiến của Nguyễn Anh Liên là thiểu số. Nhưng ông vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm và trực tiếp báo cáo lên Ban Bí thư. Ông thẳng thắn rằng, trong quá trình điều tra, một số cán bộ đã không tuân thủ nguyên tắc cơ bản của công tác kiểm tra, nhất là không thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong tổ chức Đảng với những đối tượng là đảng viên nên đã quy kết võ đoán không có cơ sở đối với tướng Lê Thế Tiệm.

Sau một thời gian bị kỷ luật cảnh cáo, thiếu tướng Lê Thế Tiệm vẫn được Đại hội IX và X bầu vào BCHTW được thăng hàm Trung tướng rồi Thượng tướng.