Động lực cho phong trào
Cùng tôi bách bộ trên con đường rộng thênh thang, sạch sẽ, nhộn nhịp xe cộ, nhà cao tầng san sát hai bên đường, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch, Phan Văn Ngọ tâm sự: “Đây là con đường của T.Ư Đoàn giúp xã Đại Trạch xây dựng ngay sau lễ phát động Chương trình XDNTM của tỉnh Quảng Bình diễn ra trên địa bàn Đại Trạch vào năm 2011. Ngày đó, T.Ư Đoàn đã cử một đơn vị bộ đội về đây, tự mua vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị… làm hoàn thành một con đường bê tông dài hơn 1km. Hiệu quả mà con đường mang lại như một động lực để nhân dân trong xã hưởng ứng phong trào cứng hoá đường giao thông. Với phương châm người dân đóng góp 40%, xã 60% để làm đường, nhưng vào thời điểm đó phần của xã lúc nào cũng thiếu hụt, vì nhân dân thi nhau đóng góp, xã “chạy” theo không kịp dân. Chỉ sau hơn 2 năm, tiêu chí về đường giao thông, kênh mương nội đồng của Đại trạch cơ bản hoàn thành”.
Theo ông Ngọ, Đại Trạch là địa phương diện tích rộng, có gò đồi, đồng bằng, sông ngòi, bờ biển và có cả đường bộ, đường sắt Bắc - Nam đi qua. Các đặc điểm đó mang lại cho Đại Trạch những lợi thế nhất định. Người Đại Trạch vẫn ví địa phương này như một mô hình thu nhỏ của huyện Bố Trạch. Với diện tích tự nhiên của toàn xã gần 25km2, Đại Trạch có đầy đủ các loại hình kinh tế như: gò đồi, trang trại, gia trại, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, với lợi thế giao thông thuận tiện, các ngành nghề dịch vụ, thương mại, ngành nghề nông thôn và xuất khẩu lao động cũng phát triển mạnh ở Đại Trạch.
Sâu trong một con hẻm, ông Lê Xuân Quang (53 tuổi) đang lúi húi trong vườn rau xanh mướt, kế bên hông là ngôi nhà 2 tầng khang trang. Ông Quang cho biết, gia đình ông mấy đời làm nông nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Gia đình ông bắt đầu phát triển kinh tế kể từ khi xã phát động làm nông nghiệp hữu cơ. Với diện tích gần 1.000m2 trong vườn nhà, ông trồng nhiều giống rau ăn lá như: cải, xà lách, hành, ngò… Không dùng thuốc trừ sâu, bón phân hoá học nên rau của ông được nhiều người ưa chuộng. Nhờ trồng rau mà gia đình ông làm được ngôi nhà 2 tầng, đầu tư cho cậu trai đầu xuất khẩu lao động và cậu trai út học công nghệ thông tin. “Nghề trồng rau ít vốn, kỹ thuật cũng đơn giản, nhưng phải chịu khó thức khuya dậy sớm là mang lại hiệu quả” - ông Quang tâm sự.
Dù có nhiều mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn hiệu quả như gia đình ông Quang, nhưng sản xuất nông nghiệp hiện chỉ chiếm 26% trong cơ cấu kinh tế của xã Đại Trạch. Nguyên nhân là ở Đại Trạch người dân chỉ cần làm một vụ lúa là đủ ăn cả năm. Không lo thiếu lương thực, người dân chuyển sang mở mang thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn và xuất khẩu lao động. Đại Trạch hiện có hơn 1.000 con em xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng lực lượng này, hằng năm gửi về cho gai đình khoảng chừng hơn 30 tỷ đồng. Không chỉ thế, nhiều lao động sau khi trở về, có vốn, có tay nghề mở mang sản xuất, làm giàu ngay tại quê hương mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Sức bật của người trẻ
Anh Nguyễn Đăng Quang, Bí thư Đoàn xã Đại Trạch cho rằng, T.Ư Đoàn đã để lại rất nhiều dấu ấn trong Chương trình XDNTM của Đại Trạch. Ngoài hỗ trợ vật chất, khoa học kỹ thuật thì sự “đỡ đầu” của T.Ư Đoàn đã mang đến một luồng sinh khí mới, tinh thần mới cho thế hệ trẻ tại địa phương. Nhiều cá nhân và hộ gia đình thanh niên đổi đời nhờ vào các chương trình mà T.Ư Đoàn hỗ trợ triển khai tại Đại Trạch.
Nhằm giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên trong xã, T.Ư Đoàn đã gợi ý về một hướng đi mới là XKLĐ. Từ gợi ý này mà Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Quảng Bình đã nhiều lần về Đại Trạch tổ chức hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên trong xã XKLĐ. Từ một vài người tiên phong mang lại hiệu quả, đến nay Đại Trạch luôn luân phiên trên 1.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Nguồn ngoại tệ từ nước ngoài gửi về đã giúp Đại Trạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Anh Lê Văn Phê Đô (SN 1989) sang Nhật Bản lao động 3 năm, trở về nước năm 2019, với lưng vốn 500 triệu đồng. Với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình, anh đã mạnh dạn vay mượn thêm, đầu tư hệ thống máy móc hơn 800 triệu đồng để sản xuất đồ nội thất gỗ công nghiệp. Nhờ có tay nghề cao từ những ngày lao động ở Nhật, sản phẩm của anh nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong vùng. Xưởng sản xuất của anh Đô giải quyết việc làm cho 6 lao động, doanh thu mỗi năm trên dưới 4 tỷ đồng, lương của lao động chính đạt 15 triệu/tháng.
Từ một vài người tiên phong mang lại hiệu quả, đến nay Đại Trạch luôn luân phiên trên 1.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Nguồn ngoại tệ từ nước ngoài gửi về đã giúp Đại Trạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Anh Quang cho biết thêm, ngoài chương trình xuất khẩu lao động, T.Ư Đoàn còn hỗ trợ vốn cho những thanh niên muốn khởi nghiệp ngay tại quê nhà. Ngày đó, có 3 thanh niên trong xã Đại Trạch đã mạnh dạn vay từ nguồn vốn ưu đãi 1 tỷ đồng của T.Ư Đoàn. Nhờ nguồn vốn này mà cả 3 thanh niên ngày đó mở được doanh nghiệp, trả hết nợ vay sau mấy năm khởi nghiệp và đang làm ăn phát đạt.
Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, anh Nguyễn Thanh Hợi (SN 1983) kể: “Ngày đó, khi nghe tin T.Ư Đoàn có hỗ trợ vốn cho thanh niên Đại Trạch khởi nghiệp, tôi đã mạnh dạn đăng ký và vay được 300 triệu đồng. Vay mượn thêm, tôi mua chiếc xe chuyên dụng thu gom rác thải sinh hoạt 1,2 tỷ đồng. Chiếc xe đã tạo công ăn việc làm cho 8 lao động và thu gom rác thải cho 4 xã trong vùng. Làm được 6 năm tôi chuyển giao cho người khác và thành lập công ty chuyên về xây dựng”.
Xã Đại Trạch có 2.361 hộ với hơn 9.500 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm 1,18%. Thu nhập bình quân đầu người của Đại Trạch năm 2022 dự kiến đạt 58 triệu đồng. Thu ngân sách địa phương năm cao nhất đạt gần 100 tỷ đồng. Hiện Đại Trạch đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu sớm hoàn thành 5 tiêu chí còn lại, để tiếp tục giữ thành tích là địa phương đi đầu trong Chương trình XDNTM của tỉnh Quảng Bình.
Theo anh Quang, trong quá trình “đỡ đầu” XDNTM tại Đại Trạch, các thế hệ lãnh đạo T.Ư Đoàn rất quan tâm và sát sao với phong trào của địa phương. Ngoài giao việc trực tiếp cho các ban chuyên môn phụ trách, lãnh đạo T.Ư Đoàn khi có dịp công tác vào miền Trung đều ghé qua Đại Trạch kiểm tra, thăm hỏi, động viên phong trào. Nhờ vậy, mà chỉ sau 4 năm xây dựng, Đại Trạch đã về đích nông thôn mới và nay đang xây dựng nông thôn mới nâng cao.