Phát triển chính quyền số hiệu quả
Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó, việc hợp nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 quận Hoàn Kiếm đã tạo sự thống nhất, tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo.
UBND quận đã đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, lấy CNTT là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm, chú trọng. Cổng thông tin điện tử quận và các phường thường xuyên cập nhật thông tin, kết nối với các dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, đăng ký thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, UBND quận tập trung phát triển hạ tầng số, duy trì ổn định, thông suốt hệ thống mạng, triển khai số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng chữ ký số, hệ thống lấy số thông minh... Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng được chú trọng thông qua việc ban hành quy chế, triển khai các giải pháp phòng, chống mã độc. Đặc biệt, UBND quận thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Phát triển xã hội - kinh tế số toàn diện
Nhờ áp dụng mạnh mẽ các phương thức đổi mới, quận Hoàn Kiếm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế số. 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế qua các ứng dụng hiện đại.
Việc quận triển khai thí điểm "Tuyến phố, khu vực thanh toán không dùng tiền mặt", tạo chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Ngoài ra, quận cũng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đăng ký bán sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, mở tài khoản thanh toán điện tử.
Trong lĩnh vực xã hội số, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Quận là đơn vị thực hiện thí điểm và phối hợp hoàn thiện phần mềm Công dân Thủ đô số (iHanoi), góp phần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quận tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến, định danh điện tử VNeID. Quận cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện triển khai các ứng dụng như Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực giáo dục, quận thí điểm triển khai học bạ số tại các trường học.
Ngoài những thành tựu trên, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và tổ chức. Việc tập trung bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại 1 điểm đã giúp cải thiện vướng mắc về diện tích, giảm thời gian, chi phí giải quyết hồ sơ. Các Trung tâm đi vào hoạt động đã giải quyết được nhiều hồ sơ cùng lúc, người dân không phải chờ đợi lâu.
Các Trung tâm phục vụ hành chính công đã tạo lập môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, tích hợp đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng CNTT. Điều này đã góp phần thay đổi thái độ, hành vi của đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới nền hành chính phục vụ văn minh, chuyên nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ số và tự động hóa các quy trình công việc đã giúp quận Hoàn Kiếm nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Nhiều thủ tục hành chính được xử lý nhanh chóng, thuận tiện hơn nhờ các công cụ trực tuyến. Đồng thời, việc tổ chức, quản lý dữ liệu số cũng giúp cơ quan nhà nước lưu trữ thông tin an toàn, chính xác, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tra cứu, sử dụng thông tin công cộng.
Cụ thể, nhờ chuyển đổi số, quận Hoàn Kiếm đã tinh gọn được bộ máy, giảm biên chế ở một số bộ phận. Ví dụ, bộ phận văn thư từ 3 người giảm còn 1 người do áp dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử; các bộ phận một cửa của 3 phường (tổng cộng 9 người) đã được ghép thành 1 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường, chỉ cần 4 người cũng có thể tiếp nhận và giải quyết được nhiều hồ sơ cho 3 phường, thậm chí trong thời gian tới sẽ tăng năng suất lên nhận hồ sơ cho 5 phường. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành. Những nhân lực dôi dư khi áp dụng chuyển đổi số sẽ được sắp xếp bố trí thực hiện các nhiệm vụ mới phát sinh do những tiến bộ của công nghệ đem đến.
Những kết quả đạt được trong chuyển đổi số tại quận Hoàn Kiếm đã minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đây là hành trình thành công đáng ghi nhận, là bài học cho các địa phương khác nghiên cứu, học hỏi.