> Hàng Việt mất điểm vì quảng cáo trên trời
> Chọn kênh đầu tư an toàn
Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, Hà Nội cần xem lại hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại (TTTM) từ chợ truyền thống, trong hơn chục năm qua.
“Dù lấy lý do cải tạo chợ cũ, tạo bộ mặt hiện đại cho thủ đô thì cũng không thể bỏ hết các chợ dân sinh trong những năm tới. Bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân thủ đô, cũng là phụ nữ đi chợ, cho nên tôi rất hiểu điều này. Phải đánh giá lại hiệu quả đạt được sau đầu tư là gì, phải chăng chúng ta đã không đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với nhu cầu của người dân?”, bà Thanh nói.
Trước đó, các đại biểu (ĐB) tập trung truy Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu về hàng loạt dự án lai giữa chợ và TTTM đầu tư xây dựng bằng vốn xã hội hóa (chủ đầu tư bỏ tiền và được ưu đãi), nhưng không hiệu quả, chợ cóc chợ tạm mọc khắp nơi.
Một clip phát trực tiếp cho ĐB xem cho thấy: Chợ Hàng Da vắng khách, nhiều gian hàng đóng cửa; chợ Cửa Nam đìu hiu không bóng người, ngoại trừ ông chủ của hai siêu thị nhỏ sót lại tại tầng hầm; chợ Ô Chợ Dừa biến thành nhà hàng Karaoke, ngân hàng và người dân tràn ra mặt đường bán hàng. “Với mô hình chợ-TTTM không hiệu quả, thành phố xử lý như thế nào, thành phố có nhận thấy mô hình này có gì bất ổn không”, ĐB Phạm Xuân Tài chất vấn.
Ông Sửu nói rằng, chủ trương xây dựng TTTM kết hợp chợ dân sinh là thực hiện theo nghị quyết của HĐND thành phố; không có ngân sách, nên phải làm theo phương thức xã hội hóa, để tạo bộ mặt văn minh, hiện đại cho thành phố.
Thời gian qua, sau khi đầu tư xong, cũng gặp khó khăn về kinh doanh. Vấn đề chợ cóc, chợ tạm, thành phố đã chỉ đạo phải kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề quản lý đô thị, trách nhiệm trực tiếp là các quận - huyện và cũng đòi hỏi phải có ý thức đồng bộ của cả người dân.
“Dù lấy lý do cải tạo chợ cũ, tạo bộ mặt hiện đại cho thủ đô thì cũng không thể bỏ hết các chợ dân sinh trong những năm tới. Bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân thủ đô”.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội
Ngô Thị Doãn Thanh
Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, chủ trương cải tạo chợ dân sinh cũ thành TTTM cần phải điều chỉnh. Bởi lẽ, văn hóa chợ hoàn toàn khác TTTM, chưa kể giá cả ở TTTM đắt hơn, nhưng hàng hóa sơ chế ở chợ tươi sống hơn, mua bán thuận tiện hơn. “Nếu kết hợp chợ - TTTM thì phải bố trí chợ thuận tiện, giá thuê mặt bằng phải thấp hơn thì tiểu thương mới tồn tại được. Nhưng khi xây mới, giá thuê quầy bị đẩy lên quá cao. Đây chính là lý do vì sao tiểu thương phải bỏ chợ và cũng là bài học phải xem lại”, ông Thắng nói.
Ông Sửu cho rằng, giá dịch vụ cao hơn là đương nhiên bởi cách quản lý hiện đại hơn, chi phí đầu tư cũng cao. Ví dụ, chợ Cửa Nam đầu tư hơn 100 tỷ đồng, chợ Hàng Da khoảng 236 tỷ đồng. “Tuy kinh doanh ở những chợ này khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo quy hoạch chứ không thể chuyển sang loại khác, có thể không còn chợ dân sinh mà chỉ còn TTTM”, ông Sửu cho biết.
Tạm dừng 9 dự án chợ - TTTM
Trả lời Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Nguyễn Thị Thùy “tại sao chợ tạm Phùng Hưng vẫn hoạt động mặc dù chợ Hàng Da đã xây xong hơn 4 năm nay?”, ông Sửu cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm. Chợ tạm Phùng Hưng sử dụng để xây dựng chợ -TTTM 19-12 và một số chợ khác. Tới đây, TTTM và chợ 19 -12 sẽ phải xem xét, sắp xếp lại cho phù hợp.
Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Lê Hồng Thăng giải đáp thêm: Thành phố đã cho dừng mô hình chợ-TTTM ở một số dự án. Mới nhất là quyết định giãn tiến độ, để rà soát 9 dự án chợ-TTTM, gồm: TTTM Hoàng Mai, Ngã Tư Sở, Trương Định, Khương Đình, Xuân La, Hà Đông, Châu Long, Kim Liên... “Thành phố yêu cầu các ban quản lý phải cải tạo lại chợ để các chợ dân sinh này vẫn hoạt động bình thường. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình phù hợp hơn như mô hình chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông, chợ Sơn Tây, để có quyết định tiếp theo”, ông Thăng cho biết.
Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, cần rà soát lại toàn bộ các dự án chợ-TTTM. Với chủ đầu tư đã nhận dự án mà chây ỳ, không thực hiện, cần phải có thái độ rõ ràng, thậm chí thu hồi dự án. Không thể vì chủ trương xã hội hóa mà để người dân bị thiệt thòi. Ví như có chợ Cửa Nam mới mà người dân ở đó lại phải đi chợ xa hơn vì vào đó bất tiện mà giá lại cao hơn. “Tới đây, thành phố cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này”, bà Thanh chốt lại.