Trong gói văn kiện này có các hiệp định song phương, liên chính phủ, liên ngành và các hiệp định liên quan doanh nghiệp. Một vài văn kiện trong số này sẽ được ký kết ngay sau khi ông Putin gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, số còn lại sẽ được ký khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ các doanh nghiệp Nga - Trung.
Theo báo chí Trung Quốc, đây sẽ là cuộc gặp lần thứ 7 giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ tháng 3 năm ngoái. Chuyến đi lần này của Tổng thống Putin được dư luận thế giới đặc biệt chú ý trong bối cảnh tình hình quốc tế đã trở nên hết sức phức tạp do các biến cố trong và ngoài Ukraine.
Báo chí phương Tây khi bình luận về chuyến đi sắp tới của Tổng thống Putin đến Bắc Kinh cho rằng nhà lãnh đạo Nga chắc chắn sẽ tìm cách vận động Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế của Nga và Trung Quốc, vấn đề Ukraine không phải là vấn đề chính trong chương trình nghị sự của 2 nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình.
Theo ý kiến của các nhà phân tích, Nga quan tâm hơn nhiều đến bước đột phá trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa hai nước, chẳng hạn trong các lĩnh vực đầu tư, kỹ thuật quân sự và năng lượng. Nhưng đáng chú ý hơn hết là khả năng ký kết thoả thuận về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.
Cho tới nay, Trung Quốc thực tế chưa nhập khí đốt của Nga. Bản thân Trung Quốc sản xuất được 110 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ngoài ra, Trung Quốc nhập khí đốt (kể cả khí đốt hoá lỏng) từ các nước Turkmenistan, Myanmar, Australia và Qatar. Nhưng với đà phát triển mạnh mẽ hiện nay của kinh tế Trung Quốc, chắc chắn nhu cầu khí đốt của nước này sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới và nguồn cung cấp lâu dài và ổn định sẽ là Nga.
Nga và Trung Quốc từ lâu đã thảo luận một thoả thuận có thời hạn 30 năm với lượng khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc là 38 tỷ m3 mỗi năm.
Các nguồn tin chính thức cho biết thoả thuận này đã hoàn tất 98% và có nhiều khả năng sẽ được ký kết trong chuyến đi lần này của Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, thoả thuận về khí đốt chỉ là một phần trong một vấn đề rộng lớn hơn nhiều. Cho tới nay, mặc dù quan hệ chiến lược Nga - Trung đã đạt được mức độ rất cao về chính trị và quốc phòng nhưng vẫn chưa có được mức độ hợp tác kinh tế theo đúng nghĩa. Kim ngạch ngoại thương giữa 2 nước chưa thể gọi là nhiều: về mặt này Nga chỉ ở hàng thứ 8 hoặc thứ 9 trong số các nước có quan hệ buôn bán với Trung Quốc, chỉ chiếm hơn 2% trong tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.
Về mặt này, Nga chỉ ngang hàng với Thái Lan hoặc Ấn Độ, thua xa Australia và Brazil. Tỷ lệ này rõ rằng còn xa mới tương ứng với tiềm năng của hai nước và cần có bước đột phá thật sự. Các nhà phân tích cho rằng đây mới chính là vấn đề then chốt trong mối quan hệ chiến lược Nga - Trung và nhất định sẽ được Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận kỹ lưỡng.
Vấn đề Ukraine là một vấn đề khá tế nhị và phức tạp ngay cả đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, quan hệ hợp tác chiến lược ở mức độ cao về chính trị giữa Nga và Trung Quốc cho phép hai nước liên kết với nhau chặt chẽ hơn thông qua những biện pháp cụ thể và thiết thực hơn. Chẳng hạn, việc ký được những hiệp định về kinh tế sẽ giúp Nga bớt chịu áp lực trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.