Đại học công lập “chảy máu chất xám”
Câu chuyện lương của PGS trẻ nhất năm 2019 của Việt Nam Lý Kim Hà, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) khiến nhiều người giật mình. PGS Hà tốt nghiệp TS tại ĐH Nghiên cứu Padova (Ý). Năm 2014, tháng lương đầu tiên TS trẻ này nhận được khi chính thức về làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là 4 triệu đồng và 400.000 đồng phụ cấp. Sau 5 năm, lương cứng của giảng viên này tăng lên 5,5 triệu đồng/tháng và tính cả tiền dạy thu nhập mỗi tháng khoảng 8 - 9 triệu đồng.
Tại hội thảo “Tạo động lực cho cán bộ, viên chức và người lao động trong các trường ĐH” do trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thanh Hà, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, thu nhập trung bình của người lao động tại trường (năm 2018) là 15 triệu đồng/tháng. Để khích lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, nhà trường chi trả cho một đề tài cấp trường đạt loại xuất sắc là 35 triệu đồng, một tài liệu tham khảo cấp trường là 20 triệu đồng. Vì thế, 68,6% giảng viên (trong số 102 người được hỏi) cho biết hài lòng với mức lương của mình. Tuy nhiên, bà Hà cũng khẳng định, một tỷ lệ nhất định chưa hài lòng về các khoản thu nhập tăng thêm, cho rằng khoản này chưa được phân chia công bằng. Khi giả định lý do nào khiến các giảng viên có thể nghỉ việc, kết quả mà nhóm nghiên cứu của bà Hà thu được là 58,8% cho rằng nguyên nhân có thể vì các khoản tiền thưởng, phúc lợi thấp.
Bà Phạm Thị Hằng, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên cho biết, khi khảo sát ngay tại nơi mình làm việc chỉ có 2/40 phiếu trả lời “rất yên tâm” làm việc, còn 21/40 phiếu (52,5%) trả lời “không yên tâm”.
Lương thấp, thu nhập không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám của các trường ĐH công lập hiện nay. Kể cả các trường ĐH được tự chủ, tình trạng này cũng không tránh khỏi. Hai năm qua được coi là thời gian “chảy máu” chất xám cực mạnh của một trường ĐH lớn tại Hà Nội. Hàng trăm TS, PGS của trường xin chuyển công tác sang trường ĐH ngoài công lập. Đây là xu hướng tất yếu được các chuyên gia dự đoán trước đó.
Theo TS Đỗ Hoàng Ánh, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), các trường ĐH dù có nhiều nỗ lực nâng cao thu nhập cho cán bộ nhưng vẫn nằm trong giới hạn của chính sách tiền lương và chưa bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình, đặc biệt ở những thành phố lớn. Ở khía cạnh khác, tiền lương chưa phản ánh được sự đóng góp và năng suất lao động tại các vị trí việc làm. Ví dụ, với hiệu trưởng trường ĐH, lương cũng chỉ dưới 20 triệu đồng mỗi tháng. Một giảng viên có học vị TS giảng dạy cho 1 lớp học nhận được thù lao từ 65.000 - 120.000 đồng/tiết; mức lương sau hơn 10 năm lên lương đều đặn của giảng viên có học vị TS này sẽ khoảng hơn 4,5 triệu đồng/tháng.
Lương thôi chưa đủ
Cũng theo TS.Đỗ Hoàng Ánh, tiền lương chỉ là một trong những biểu hiện của vấn đề lớn hơn, có tính cốt lõi trong việc tạo động lực cho giảng viên gắn bó với nhà trường, đó là tạo được môi trường làm việc công bằng. Ở đây bao gồm sự đúng đắn trong giải quyết những nhu cầu về thu nhập (đảm bảo mức sống thích đáng, điều kiện cơ sở vật chất làm việc, sự an toàn- ổn định, cơ hội cống hiến và thăng tiến, được đánh giá và ghi nhận đúng thành quả công việc, sự tôn trọng và về cơ chế bảo đảm khi gặp rủi ro).
Bà Phan Thị Hời, Trường ĐH Lạc Hồng cho biết, dựa trên dữ liệu khảo sát 225 giảng viên, người lao động trong các trường ĐH tư thục tại Đồng Nai và TPHCM cho thấy, điều kiện làm việc tốt trước hết phải tạo sự thoải mái và giúp giảng viên tập trung suy nghĩ, có tư liệu lao động, thuận tiện cho việc nghiên cứu và cập nhật thông tin khoa học.
Đặc biệt, phải xem sự phát triển về trình độ là thước đo năng lực khoa học của giảng viên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khoa học của giảng viên.
Trong khi đó, TS. Đỗ Hoàng Ánh cho rằng: “Môi trường làm việc ĐH ở ta hiện nay có 3 thách thức, là sự mất cân bằng trong chế độ tiền lương và thu nhập chính đáng; giữa làm việc và thù lao, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa nhu cầu và thực tế đáp ứng nhu cầu. Tiếp đó là, sự mất cân bằng về thi đua và khen thưởng. Cuối cùng là sự mất cân bằng giữa nhu cầu quản trị ĐH hiện đại với cơ chế tự chủ ĐH hiện hành và cách thức lựa chọn các vị trí đứng đầu”.
Bà Phạm Thị Hằng, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên cho biết, khi khảo sát ngay tại nơi mình làm việc chỉ có 2/40 phiếu trả lời “rất yên tâm” làm việc, còn 21/40 phiếu (52,5%) trả lời “không yên tâm”.