Sáng 15/8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tập huấn nghị định 161/2018 của Chính phủ và thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều băn khoăn về kỳ thi tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch, chuyển ngạch, các tiêu chuẩn về chứng chỉ... được nêu trong hội nghị, nghe ý kiến giải đáp của Bộ Nội vụ.
Đại diện Sở Nội vụ TP HCM cho rằng, theo Thông tư của Bộ, trước khi tuyển dụng người trúng tuyển sẽ phải xác minh văn bằng, chứng chỉ của người dự tuyển. Tuy nhiên, việc xác minh trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.
“Cụ thể, có những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ đã giải thể, cho nên không biết liên lạc với đơn vị nào để xác minh”, vị này nói.
Được biết, trước tình hình này, TPHCM đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT xin ý kiến. Theo đó, Bộ GD&ĐT cho rằng xác minh tại đơn vị tiếp quản hồ sơ của đơn vị đã giải thể. “Thực ra chúng tôi cũng không biết đơn vị nào tiếp quản hồ sơ của đơn vị đã giải thể”, đại diện Sở Nội vụ TP HCM nói.
Theo vị này, hiện nay, người tuyển dụng cũng thấy chương trình xác minh văn bằng, chứng chỉ kéo dài nên sốt ruột, đi thi chứng chỉ mới và đề nghị nộp bản mới này, xác minh tại đơn vị cấp mới này. Vị này hỏi, theo Bộ Nội vụ như thế có được hay không?
Giải đáp vấn đề này, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức Bộ Nội vụ thừa nhận, đúng là xác minh văn bằng, chứng chỉ có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, khó khăn vướng mắc cho cơ quan tuyển dụng nhân sự.
“Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đề xuất yêu cầu này cũng trên cơ sở kiến nghị, chất vấn của ĐBQH. Làm chặt như vậy sẽ ngăn chặn được văn bằng chứng chỉ giả khi tuyển dụng”, ông Long nói.
Ông Long cũng giải thích thêm, nếu làm chặt bước này, sau này khi làm công tác bổ nhiệm nhân sự, thẩm định thì đều có báo cáo.
“Việc này đã quy định ở Thông tư và bây giờ đưa lên Nghị định, cũng là yêu cầu bắt buộc, đề nghị chúng ta phối hợp với các đơn vị, yêu cầu các thí sinh khi dự tuyển thì làm kỹ ngay từ đầu để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tức là làm tốt văn bằng chứng chỉ khi tuyển dụng vào, đúng quy định của pháp luật, tức là được chính cơ sở đào tạo cấp bằng ấy để kịp thời phát hiện ra các vấn đề. Chúng ta làm kỹ vấn đề này”, ông Long nói.
Trước đó, trong giờ giải lao, khi báo chí đề nghị nêu quan điểm về các tiêu chí văn bằng, chứng chỉ với công chức, viên chức có gây phiền hà, ông Long không nêu quan điểm về vấn đề này, đồng thời cho rằng, nên tìm đơn vị đặt ra tiêu chí đó để hỏi.
Trong khi đó, khi báo chí đặt vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ông Tân cho rằng câu chuyện chứng chỉ là rất phức tạp. Ngay cả tiêu chuẩn, điều kiện như thế hiện chưa có cơ sở đào tạo cấp những cái này.
“Cái này chúng tôi sẽ bàn với Bộ GD&ĐT là phải tổ chức mở lớp đào tạo cho người ta. Anh quy định như thế thì anh phải mở lớp cho người ta chứ, không thể nào quy định mà lại không mở lớp. Bây giờ anh bảo xác nhận trình độ là anh chịu trách nhiệm về xác nhận trình độ này, trong khi anh chưa mở lớp”, ông Tân nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi “Về vấn đề quy định có chứng chỉ, Bộ Nội vụ thấy có vấn đề không?”, ông Tân thừa nhận “Đúng, có vấn đề, có vấn đề”. Liên quan đến câu hỏi, liệu quy định này có khiến phát sinh “phong trào” đi mua chứng chỉ”, ông Tân nói “Giờ chưa có cái đó, mình quy định, người ta cam kết. Tôi thấy chỗ đó hết sức vô lý”.