Chưa phá bỏ được thế độc quyền sách giáo khoa?

TP - Trong năm đầu tiên thực hiện đổi mới sách giáo khoa (SGK), nhà trường sẽ được quyền chủ động lựa chọn SGK lớp 1. Tuy nhiên, có tới 24/32 SGK được Bộ GD&ĐT công bố thuộc NXB Giáo dục Việt Nam. Như vậy, các trường lựa chọn bộ sách nào đa số cũng thuộc về quyền lợi của NXB này. 
NXB giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo công bố bản mẫu SGK trước khi Bộ GD&ĐT ký thông qua

Tăng giá sách giáo khoa?

Ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, dự kiến, giá bán SGK mới của đơn vị sẽ tăng cao hơn so với sách hiện hành. Nguyên nhân để đơn vị này đẩy giá sách lên cao được lý giải là do đầu tư công phu về hình thức trình bày, phối hợp logic, đạt tính thẩm mĩ cao giữa kênh chữ và kênh hình, được đánh giá là tương đương với SGK của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới với thiết kế khổ sách 19x26,5 cm, lớn hơn khổ SGK hiện hành và sử dụng giấy in chất lượng tốt.

Giá sách tăng bao nhiêu và chất lượng sách ra sao thì thời điểm này NXB vẫn chưa công bố. Hiện sách vẫn còn là bản mẫu, chưa in ấn nhưng NXB đã phối hợp với các địa phương tập huấn cho giáo viên việc sử dụng SGK mới. Đại diện NXB khẳng định, thông qua kế hoạch này sẽ giúp giáo viên tiếp cận đầy đủ SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam để có thêm thông tin nhằm lựa chọn bộ SGK phù hợp sử dụng tại địa phương mình.

Tại cuộc họp báo công bố SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức, phóng viên đặt câu hỏi, NXB Giáo dục Việt Nam có tới 24 cuốn sách được chọn và dù Bộ GD&ĐT chưa thông qua nhưng đơn vị này đã tổ chức hội thảo công bố các bản mẫu SGK rộng rãi ra công chúng có vi phạm Luật canh tranh không nhưng phía Bộ GD&ĐT không có giải đáp nào về vấn đề này.

“Cá vào một giỏ”

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong năm đầu tiên thực hiện đổi mới, Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn các trường, giáo viên lựa chọn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó, trong năm học tới, các trường thành lập hội đồng, lấy ý kiến giáo viên để chọn lựa bộ sách dạy học. Vì thế, sẽ có khả năng, trong 1 địa phương, các trường chọn nhiều bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, việc chọn bộ sách nào trong số 5 bộ sách thì quyền lợi đa số “cá cũng vào một giỏ” của NXB Giáo dục Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ GD&ĐT cũng phải đứng ra biên soạn một bộ sách, đảm bảo chất lượng. Trên thực tế, trước đó, Bộ cũng đã được chỉ đạo để làm việc này, chuyên gia chính là những người viết chương trình, am hiểu chương trình và một số nhà khoa học khác. Tuy nhiên, sau đó Bộ chần chừ nên các NXB đã “hút” luôn những chuyên gia này.

Trong khi đó, phía NXB Giáo dục Việt Nam đã có sự chuẩn bị, tập hợp hơn 600 chuyên gia nên đầu tư 4 bộ sách. “Trong cuộc chơi này, anh nào có tiềm lực, anh đó chiếm thị phần”, ông Dong nói. Ông cũng dự đoán, trong những năm tới, “miếng bánh” SGK sẽ không chỉ dành cho NXB Giáo dục Việt Nam và 1 NXB khác như hiện nay mà các doanh nghiệp có tiềm lực cũng có thể biên soạn một số cuốn. Khi đó, sách nào hay, tốt sẽ được lựa chọn.   

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Dong, Bộ GD&ĐT nên có phương án khống chế giá, không thể để NXB vừa biên soạn, in ấn và tăng giá sách, đẩy học sinh, phụ huynh vào thế bị động. Ông cho rằng, những bộ sách đã được thông qua nên đưa công khai lên mạng để các địa phương nghiên cứu, so sánh và lựa chọn, sau đó, các trường chọn bộ sách nào địa phương đó tự in ấn sẽ hợp lý hơn.