“Với cánh lái xe như chúng tôi và cả hành khách đi trên xe, đường đẹp có lợi hơn tất cả. Đường xấu lái xe cực lắm. Từ Kon Tum xuống Tp.HCM hơn 600 Km, đường xấu xuống Tp.HCM vào khoảng 6 đến 7 giờ sáng, đúng giờ cao điểm vào thành phố nên thường xuyên bị tắc nghẽn. Nay đường đẹp, chúng tôi tới bến khoảng 5h sáng. Hành khách cũng mừng lắm, đường đẹp, một đêm ngủ trên xe yên giấc, sáng sớm tới bến xe miền Đông không sợ tắc đường, kịp đủ thời gian để đi làm, đi học. Người ta cứ kêu trạm thu phí mất thêm tiền, nhưng cánh lái xe đều biết, nếu đường đẹp, có thu phí cũng có lời cho chủ xe, bởi đường xấu như trước kia, hao mòn phương tiện rất lớn”. Đó là tâm sự của anh Minh Quốc, lái xe chạy tuyến Kon Tum - Tp.HCM.
Đường đẹp, dân mừng, doanh nghiệp vận tải bớt nỗi lo
Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước nối từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài 553 Km, gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 6 dự án được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và 5 dự án được đầu tư bằng hình thức BOT. Đến cuối tháng 6 này, các dự án đều đồng loạt hoàn thành và đưa vào khai thác, sớm hơn rất nhiều so với cam kết với Bộ GTVT.
Trong đó, có đến 3 dự án được giao cho Tập đoàn Đức Long Gia Lai và các đơn vị thành viên gồm dự án đoạn qua Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước và gói thầu số 2 thuộc gói trái phiếu Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay, các dự án đều đã hoàn thành và đến cuối tháng 6 này chính thức tổ chức Lễ thông tuyến, khai thác dự án.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai khẳng định: “ Chúng tôi ý thức rất sâu sắc tầm quan trọng của các dự án trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, bản thân là một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai, và cũng là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chúng tôi hiểu rất rõ nỗi khổ của các phương tiện tham gia giao thông, của người dân khi lưu thông trên tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, chằng chịt ổ voi, ổ gà, đặc biệt là tình trạng lầy lội vào mùa mưa. Vì vậy, ngay từ đầu, HĐQT ĐLGL đã chỉ đạo quyết liệt ban quản lý dự án, các nhà thầu tích cực triển khai thi công, tập trung tổng lực hoàn thành dự án trước mùa mưa năm nay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con, cho các phương tiện vận tải đi lại dễ dàng”. Cũng theo ông Bùi Pháp, nhờ có tính trách nhiệm và ý thức cao, Tập đoàn đã hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến, cụ thể là hoàn thành trước 6 tháng so với cam kết với Bộ GTVT.
Đường nay đẹp, thẳng tắp, khang trang và rộng rãi, các phương tiện qua lại đều hứng khởi trước những đổi thay trên con đường mới. Ông Nguyễn Xuân Đảng, chủ công ty Dịch vụ và vận tải hàng hóa Tín Nghĩa cho biết: “Chưa bao giờ Tây Nguyên có đường đẹp như ngày hôm nay. Công ty có hơn 20 xe tải, chuyên vận chuyển hàng hóa nông sản từ Đăk Lăk đi Tp.HCM và ngược lại. Nay đường đẹp, vận chuyển hàng hóa nhanh, nhiều đơn đặt hàng được ký kết giúp công ty ăn nên làm ra. Trước kia chạy khoảng 25-26.000 Km thì phải thay vỏ nhưng giờ phải đến 30-32.000 Km mới phải thay. Vì vậy, đường đẹp nhưng có mở thêm trạm thu phí, tính chung lại doanh nghiệp chúng tôi vẫn lãi không hề nhỏ”.
Nhà đầu tư phấn khởi đưa dự án vào thu phí
Các dự án hoàn thành không chỉ có ý nghĩa đối với người dân, các đơn vị vận tải mà với nhà đầu tư cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các dự án được chính thức thông tuyến và đi vào khai thác, nhà đầu tư tiến hành thu phí hoàn vốn trên các trạm đã được Bộ GTVT bố trí. Chỉ tính riêng Đức Long Gia Lai, trên hơn 200 Km đường nhận đầu tư xây dựng đã được Bộ GTVT bố trí 5 trạm thu phí với mức thu được áp dụng theo thông tư 159/2013/TT-BTC. Theo đó, dự án BOT qua Gia Lai với 2 trạm thu phí, dự án BOT Đăk Nông 2 trạm thu phí và BOT Bình Phước 1 trạm thu phí, Đức Long Gia Lai được thu phí năm 2015 bằng 3 lần và đến 01/2016 tăng lên 3,5 lần so với mức cơ bản tại Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính. Các trạm thu phí sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định, mang về cho doanh nghiệp này khoản thu tương đối lớn.
Lâu nay, những tai tiếng xung quanh các dự án BOT ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của các doanh nghiệp nhận đầu tư xây dựng dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc hoàn thành dự án sớm hơn so với cam kết, đối với Đức Long Gia Lai là sớm hơn 6 tháng đã khẳng định mạnh mẽ năng lực tài chính, năng lực thi công của các doanh nghiệp. Không cần giải thích nhiều, kết quả có được ngày hôm nay cũng đã chứng minh lựa chọn đúng đắn của Bộ GTVT trong việc quyết định chọn nhà đầu tư cũng như những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và Ban QLDA đường HCM đã được đền đáp xứng đáng.
Từ nay, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước sẽ không còn là nỗi ám ảnh của người dân cũng như các phương tiện vận tải lưu thông qua đây. Con đường này sẽ góp phần không nhỏ giúp Tây Nguyên ngày một khởi sắc.