Chủ tịch TPHCM: Nhiều ý kiến trái chiều về việc cho mở lại dịch vụ ăn tại chỗ

TPO - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, lãnh đạo thành phố nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phê bình vì cho mở lại dịch vụ ăn tại chỗ và thí điểm bán bia, rượu tại quận 7, TP Thủ Đức.

Ngày 8/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng thành phố không nên cho ăn uống tại chỗ và thậm chí phản đối việc thí điểm bán rượu bia.

"Thật ra, quan điểm sống thích ứng với dịch vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Băn khoăn về việc không an toàn là chính đáng. Để đảm bảo kiểm soát được dịch thì phải mở từ từ, chúng ta sẽ không có bình thường như ngày xưa, mà sẽ là bình thường mới", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất vừa được Cổng thông tin COVID-19 TPHCM công bố, thành phố vẫn ở cấp độ 2 là vùng vàng, nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè đã nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3 là vùng cam, nguy cơ cao.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, quận 7 ghi nhận không phát sinh nhiều ca F0 từ khi thí điểm. Tuy nhiên, thành phố sẽ tiếp tục rà soát đến ngày 15/11.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng cho biết thành phố đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm với quy mô mẫu rộng hơn nhằm đánh giá sát tình hình thực tế.

Cụ thể, TPHCM dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Với quy mô 10 triệu dân, mỗi ngày, thành phố phải xét nghiệm ít nhất khoảng 6.000 mẫu.

Đối tượng xét nghiệm cũng sẽ đa dạng hơn như người làm trong cơ sở y tế; trong "ổ dịch" cộng đồng, nơi tập trung đông người (siêu thị, nhà máy, xí nghiệp...) hay người về từ vùng dịch.

"Vừa xét nghiệm 4 người/1.000 dân, vừa nằm trong 4 đối tượng đó mới đạt được độ tin cậy. Sắp tới, TPHCM sẽ triển khai xét nghiệm theo nguyên tắc trên sẽ chính xác hơn", ông Mãi nói.

Về chăm sóc F0, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang củng cố các đội phản ứng nhanh. Một số xã, phường, thị trấn đã làm tốt nhưng có nơi có kẽ hở, cần tiếp tục củng cố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội

Đơn cử, có tình trạng nhà máy, xí nghiệp khi xét nghiệm ra F0, thay vì báo ngay để cách ly thì lại để F0 về chỗ ở, rồi mới báo cho ngành y tế. Việc kéo dài thời gian làm nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

“Cùng với các biện pháp này, thành phố đang khẩn trương củng cố trạm y tế lưu động, hệ thống y tế cơ sở và đặc biệt là củng cố nhân lực tại một số địa bàn đông dân cư như quận 8, huyện Nhà Bè... Những nơi nào trở thành điểm nóng dịch bệnh như huyện Hóc Môn vừa qua thì thành phố sẽ cử đội phản ứng nhanh về hỗ trợ”, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Mãi, sau khi phát hiện F0, nhân viên y tế địa phương cần tiếp cận ngay để hướng dẫn, cấp thuốc. Thực hiện càng sớm càng giảm nguy cơ chuyển nặng dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, ngoài đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, TPHCM đang nghiên cứu thêm các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên 2 nhóm chính để làm chặt chẽ về việc kiểm soát và cảnh báo.