Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã triệu tập toàn thể lãnh đạo các địa phương, ban ngành cùng các chủ doanh nghiệp đang chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh lợn, tham dự cuộc họp. Thông qua họp trực tuyến gồm 190 điểm cầu, Quảng Ninh khẩn trương triển khai công tác không chế dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trong những ngày gần đây.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: “Dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan rất nhanh, các địa phương cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, dập dịch chứ không thể theo đuôi ổ dịch như thời gian vừa qua. Toàn bộ hệ thống chính quyền cần khẩn trương vào cuộc. Các địa phương chưa xảy ra dịch phải luôn nghĩ dịch đang đến cận kề, nâng cao cảnh giác, đề phòng với dịch bệnh như chính sức khỏe bản thân”.
Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 15/3), Quảng Ninh đã xuất hiện 5 ổ dịch bệnh trên 4 địa bàn huyện, thị xã. Giải pháp duy nhất của chính quyền sở tại trong thời gian qua khi phát hiện dịch, cơ quan chức năng mới tiêu hủy theo đúng quy trình, khoanh vùng ổ dịch, chống lây lan. Đặc biệt, các ổ dịch bùng phát trong thời gian vừa qua chỉ là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các địa phương gần vùng dịch như Hải Phòng, Hải Dương.
Để xảy ra tình trạng dịch bệnh tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các địa phương: “UBND tỉnh đã có hàng loạt công văn chỉ dẫn về việc phòng chống dịch bệnh nhưng chưa đến tận các hộ dân. Vẫn còn xảy ra tình trạng người dân chưa ý thức được sự nguy hại của dịch tả lợn châu Phi, tự xử lý khi đàn lợn có dấu hiệu dịch bệnh”.
“Chủ tịch xã phải nắm được trong xã có bao nhiêu đàn lợn, đàn lợn có bao nhiêu con và đã được tuyên truyền về sự nguy hại của dịch hay chưa. Phải đi tắt đón đầu để chặn đứng dịch chứ không thể chạy theo đuôi dịch. Có ổ dịch mới đến tiêu hủy thì ai cũng làm được”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đưa ra một số yếu điểm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Theo ông Giang: “Vừa qua 5 ổ dịch bùng phát nhưng một số cơ quan đã tỏ ra lúng túng trong khâu tiêu hủy, dập dịch. Cán bộ thú y ở các địa phương còn yếu trong khâu phát hiện dịch bệnh, mọi việc đều phải cử cán bộ từ sở xuống nhưng sở cũng không đủ người để dàn trải khắp các địa bàn. Ngay khâu tiêu hủy cũng còn thiếu cán bộ, nhiều lúc phải huy động cả lực lượng quân đội hỗ trợ”.
Hiện diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại Quang Ninh đang diễn biến khá phức tạp. Một trong 4 địa phương xuất hiện ổ dịch nằm sâu trong nội địa, nguy cơ lây lan ra các vùng lân cận rất cao, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền để tập trung nhân lực, vật lực đáp ứng đủ cho công tác chống dịch trên toàn tỉnh.