Chủ tịch Phan Văn Mãi: TPHCM mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa ngang tầm châu lục

TPO - TPHCM mong muốn đến năm 2030 thành phố có những cơ sở vật chất đủ sức trở thành trung tâm sự kiện tầm khu vực, châu lục, có những thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại tầm châu lục, giúp phát triển hơn nữa ngành công nghiệp văn hóa.

Sáng 15/10, phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao (VH&TT) do UBND TPHCM tổ chức, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội với những cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư trên lĩnh vực VH-XH.

"Chúng tôi tiếp tục cụ thể hóa để làm sao tạo được điều kiện thuận lợi hơn cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa (CNVH) nói riêng", ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng.

Ông cũng cho biết tại hội nghị này, thành phố sẽ giới thiệu về định hướng phát triển CNVH, về chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà đầu tư trên lĩnh vực CNVH để giúp thành phố hoàn thiện hơn chiến lược phát triển văn hóa nói chung, CNVH nói riêng để phát triển hơn về cơ chế, chính sách, từ đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư trên lĩnh vực này tham gia bằng tình cảm, bằng đam mê, trách nhiệm.

Ông Mãi nhìn nhận các thiết chế về VH&TT của thành phố chưa ngang tầm yêu cầu, vị thế của một đầu tàu, trung tâm kinh tế văn hóa.

“Chính quyền thành phố mong cùng các nhà đầu tư cùng giải bài toán này, để đến năm 2030 thành phố có những cơ sở vật chất đủ sức trở thành trung tâm sự kiện tầm khu vực, châu lục, đồng thời có những thiết chế VH&TT hiện đại tầm châu lục, giúp phát triển hơn nữa ngành CNVH, phát triển VH-XH ngang bằng phát triển kinh tế”, ông Mãi bày tỏ.

Thông tin về định hướng phát triển CNVH và thu hút đầu tư, xây dựng thiết chế VH&TT trên địa bàn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngành VH&TT đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện. Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, qua đó cho phép TPHCM được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực VH&TT.

Nghị quyết đã tạo cơ hội lớn, có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển. HĐND thành phố cũng đã ban hành nghị quyết quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu cho các dự án PPP nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và đầu tư.

"Tháng 8, UBND TPHCM đã ban hành quy trình về trình tự thủ tục thực hiện dự án PPP. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu khi tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức PPP vào TPHCM”, ông Thuận cho hay.

Đại diện các đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư tìm hiểu các dự án văn hóa, thể thao trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng.

Cũng theo Giám đốc Sở VH&TT, hiện TPHCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được HĐND thành phố thông qua danh mục đầu tư, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của TPHCM.

Về Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, ông Thuận cho biết, TPHCM đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển, gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Đề án hướng đến mục tiêu phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả ngành CNVH một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu, hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.