Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, những năm trước, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chỉ loanh quanh với việc giải phóng mặt bằng. Mấy năm gần đây, với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và Hà Nội, cơ bản diện mạo bức tranh Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hội tụ đủ. “Có thể nói là gần như đã hình thành đầy đủ hệ sinh thái Khu công nghệ cao, từ nghiên cứu, sản xuất công nghệ Made in Vietnam để phục vụ trong nước và xuất khẩu”, ông Anh nói.
Ông Anh cho rằng, trước mắt, Bộ cũng như Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang có kiến nghị đề xuất tháo gỡ về một số chi tiết trong quy định của luật pháp, quy hoạch. Bộ cũng mong muốn Hà Nội hỗ trợ ứng nguồn vốn của thành phố để hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc luôn mong muốn khẳng định công nghệ nội địa, nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung kiến nghị sửa đổi một số nội dung liên quan chính sách thuế, chính sách thu nhập cá nhân. Ông Tùng cũng mong muốn Hà Nội hỗ trợ vốn để giải phóng mặt bằng, vì chỉ Hà Nội mới có thể giúp được.
“Chúng tôi mong thành phố giúp cấp nước sạch cho Khu công nghệ cao. Như trao đổi, anh Chung (Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – PV) sẽ chỉ đạo đấu nối cấp nước sạch ngay tuần sau. Như thế sẽ rất thuận lợi”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng mong muốn, một số cơ sở hạ tầng công cộng như giao thông, phòng cháy chữa cháy trong Khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động, nhưng xin đưa vào quản lý chung của thành phố Hà Nội để bài bản.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, trong những năm qua, thành phố, các sở, ban, ngành, hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai… đã phối hợp hỗ trợ nhiều lĩnh vực cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông Chung cũng giải đáp một số kiến nghị của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Về cấp nước sạch, ông Chung cho biết, sẽ chỉ đạo trong tuần tới đấu nối nguồn nước sạch sông Đà cho toàn bộ Khu công nghệ cao Hòa Lạc. “Đấu nối ngay, đồng hồ đo và thu tiền nước đã có quy định rồi”, ông Chung nói, đồng thời cho biết, liên quan đến hạ tầng đường ống của Khu đã đầu tư sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật sau.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, lĩnh vực gì Hà Nội có thể ủy quyền cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố sẽ ủy quyền hết. “Về việc xây đồn công an, chúng tôi sẽ cắt cử cán bộ lên làm dịch vụ công. Hiện nay hoàn toàn có thể nối mạng làm dịch vụ công được, không cần đi đâu cả vì 100% dịch vụ công của thành phố đã đạt mức 4”, ông Chung nói.
Ông Chung hoàn toàn ủng hộ việc bố trí các khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê, diện tích từ 40 – 45 – 70 mét, phù hợp với công nhân ở một mình, công nhân có gia đình nhỏ. Việc này, HĐND cũng đã có nghị quyết đồng ý xây nhà ở cho công nhân các Cty, doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn. Nếu kịp làm hồ sơ, có thể kêu gọi triển khai ngay trong năm nay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo công nhân, người lao động; bố trí xe buýt đi vào Khu công nghệ cao để tạo thuận lợi cho các chuyên gia, công nhân, nhân viên làm việc, sinh sống tại đây.
Theo ông Chung, Hà Nội hiện có khoảng 2.900 tỷ, hoàn toàn có thể đáp ứng việc ứng vốn giải phóng mặt bằng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tuy nhiên, phải chờ sự cho phép theo các quy định của pháp luật, và nếu được phép sau này phải hoàn trả lại cho thành phố.
Ông Chung có hai góp ý, một là nên quy hoạch lại các khu trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, vì ở một số nước, Khu công nghệ cao như Khu đô thị, thuận tiện cho ăn ở, nghiên cứu, làm việc. Thứ hai là hiện nay, qua xúc tiến đầu tư có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài muốn vào nhưng vướng quy định trần suất đầu tư vào 1ha đất. “Theo yêu cầu, mỗi ha đất phải đầu tư khoảng 20 triệu USD. Họ chỉ có 12 – 15 triệu USD, nhưng cam kết một năm xuất khẩu vài trăm triệu USD. Vì thế, cần phải tháo gỡ điều này, vì giá trị của họ rất cao…”, ông Chung nói.