Chủ nhật Đỏ 2013: Dự kiến 3.000 người tham dự

TPO- Ngày Chủ nhật Đỏ lần 5 sẽ diễn ra vào 20-1-2013 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, do báo Tiền Phong, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư và Thành Đoàn Hà Nội phối hợp tổ chức.

> Chủ nhật Đỏ lần thứ 5 sẽ được tổ chức ở Đại học Quốc gia Hà Nội

> Ngày chủ nhật đỏ -cơ hội góp sức cùng cộng đồng

> Trái tim thắp lửa

> Ca sĩ đốt nóng Chủ nhật Đỏ

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, cho biết: “Tình trạng khan hiếm máu thường rất nặng nề vào dịp Tết hàng năm, lượng máu tiếp nhận được thường không đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu và điều trị; chính vì thế việc tổ chức ngày Chủ nhật đỏ rất kịp thời, hiệu quả và ý nghĩa trong thời điểm Tết đang cận kề”.

“Là sự kiện khởi đầu cho hoạt động hiến máu tình nguyện trong năm 2013, đây sẽ là tiền đề tốt để các cơ sở Đoàn trong toàn quốc hưởng ứng hoạt động này, để ngày Chủ nhật đỏ sẽ được lan tỏa, mở rộng trên phạm vi toàn quốc, lan tỏa tinh thần thiện nguyện, sự đoàn kết và trách nhiệm của thanh niên với xã hội”

Sau 5 năm hoạt động, với khẩu hiệu: “Hiến máu tình nguyện – Sinh mệnh của Bạn và Tôi” ngày Chủ nhật Đỏ đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống hoạt động xã hội của đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên khu vực Hà Nội. Năm nay, sự kiện đã lan tỏa sang các đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên tỉnh khác. Đại học Thái Nguyên cũng hưởng ứng nhiệt tình ngày Chủ nhật Đỏ.

Bên cạnh chương trình hiến máu, ngày hội năm nay cũng sẽ vận động cộng đồng cùng tham gia diễu hành cổ động, khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp Tết Nguyên đán và nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh; cùng các người đẹp tặng quà cho bệnh nhân nhi và giao lưu với các ca sĩ, nhóm nhạc trong không khí sôi nổi, trẻ trung, chan chứa tình nhân ái...

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, cho biết: Ngày “Chủ nhật Đỏ” do báo Tiền Phong khởi xướng từ năm 2009 với mong muốn góp phần giáo dục học sinh, sinh viên về tấm lòng nhân ái đối với cộng đồng và thu gom được một lượng máu cứu sống người bệnh.

Qua bốn lần tổ chức, ngày Chủ nhật đỏ đã tiếp nhận được 2.500 đơn vị máu và trở thành hoạt động thường niên rất được quan tâm, chú ý.

Ngày hội năm nay dự kiến thu hút sự tham gia của 3.000 người, 30 cơ quan, đơn vị và tổ chức tình nguyện tham gia. Chương trình hiến máu dự kiến tiếp nhận được khoảng 1.000 đơn vị máu để góp phần cứu sống người bệnh nhân dịp Tết nguyên đán.

Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh tham gia cổ vũ cho Chủ Nhật Đỏ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Quyền lợi đối với người hiến máu tình nguyện

Quyền lợi và chế độ đối với người hiến máu tình nguyện theo Thông tư số 21/2009/TT - BYT ngày 20 tháng 12 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và điều chế các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn:

- Được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.

- Được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được Bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

- Được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành:

v Hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện. Mức chi 30.000 đồng/người.

v Phục vụ ăn uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu: Mức chi 20.000 đồng/người.

v Nhận quà tặng (bằng hiện vật): mức chi tối đa là 80.000 đồng/ người.

v Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo Tỉnh, Thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

Tại sao lại có nhiều người cần phải được truyền máu?

- Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì :

- Bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm hoạ, xuất huyết tiêu hoá ...

- Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tuỷ xương, máu khó đông...

- Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng...

Ai có thể tham gia hiến máu?

- Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh.

- Cân nặng >45kg đối với cả Nam và Nữ. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng.

- Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.

- Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 3 tháng đối với cả Nam và Nữ.

Ai là người không nên hiến máu?

- Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.

- Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các vius lây qua đường truyền máu.

- Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày…

Hiến máu nhân đạo có hại đến sức khoẻ không?

- Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khỏe. Điều đó đã được chứng minh bằng các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế:

Cơ sở khoa học:

- Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới. Cơ sở khoa học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe.

- Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể.

Cơ sở thực tế:

- Thực tế đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.

- Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh.

TPO

Theo Viết