Chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng xin lỗi vụ sập hầm

TP - Chiều 22/12, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm công tác ứng cứu sự cố sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Tại đây, chủ đầu tư dự án, ông Võ Nhật Thăng đã lên tiếng xin lỗi người dân Lâm Đồng và cho rằng sự cố là “bất khả kháng”.
Ông Võ Nhật Thăng.

Chủ đầu tư lần đầu xin lỗi

Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) - Công ty mẹ của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội (chủ dự án thủy điện Đạ Dâng), đã lên tiếng xin lỗi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và người dân vì đã để xảy ra sự cố. 

Theo ông Thăng, sự cố xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trời Lâm Đồng lại mưa kéo dài cả tháng. Khi nước ngấm vào nền đất cát và tụt xuống hầm. 

“Hầm sụt không phải do gãy vòm gia cố tạm bằng bê tông, mà đất cát bị nước cuốn chảy thẳng xuống theo các kẽ hở do cốp pha bằng gỗ dùng làm khuôn đổ kè từ cách đây hơn 10 tháng nay đã bị mục nát. Từ đó gây sạt hầm. Không ai lường được địa chất phức tạp như vậy”, ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, do nền đất yếu, nhiều nhà thầu có kinh nghiệm đào hầm tham gia thi công vẫn không thực hiện được, như Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Vinaconex, Vinavico… 

“Trước đây các đơn vị thi công cũng đã xảy ra tụt đất, nhưng không khắc phục nổi nên đều phải dừng”, ông Thăng nói. Theo ông Thăng, mới đây Cty CP Sông Đà 10 mới tham gia thi công nốt phần 70m hầm còn lại, với chi phí 30 tỷ đồng.

Còn Cty CP Sông Đà 505, theo ông Thăng, không phải công ty này vào đào hầm, mà chỉ thi công làm vỏ bê tông ở những đoạn hầm đã có sẵn. Khi công ty đang di chuyển máy móc vào dọn nền chuẩn bị đổ bê tông thì xảy ra sự cố.

“Tôi rất xúc động và cảm kích lực lượng cứu hộ, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành đã nỗ lực giải cứu 12 nạn nhân. Mừng nhất là 12 nạn nhân đều an toàn”, ông Thăng nói.

Các lực lượng cứu hộ vụ sập hầm.

Chưa tính tới khởi tố vụ việc

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân vụ việc, mức độ thiệt hại. Từ kết quả điều tra mới xác định có khởi tố vụ việc hay không. Nhưng tinh thần là phải điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, vi phạm đến đâu xử lý đến đó. 

“Sự cố chắc chắn gây thiệt hại rất lớn, nó còn gây những tác hại về mặt chính trị, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân”, tướng Sơn nói. Theo ông, bằng mắt thường cũng đã nhìn thấy công trình có vấn đề.

Theo ông Sơn, dự án thủy điện Đạ Dâng do bộ ngành trung ương phê duyệt, địa phương chỉ ra quyết định cho doanh nghiệp đầu tư. Do đó, Công an tỉnh sẽ xin ý kiến của các bộ ngành chức năng để đánh giá quy mô vụ việc.

“Nếu cấp trên yêu cầu địa phương làm thì chúng tôi tiếp tục triển khai. Nếu lãnh đạo Bộ Công an cho rằng đây là việc của các bộ ngành trung ương và các cơ quan điều tra cấp trên, chúng tôi sẽ phối hợp”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, rút kinh nghiệm từ sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, chắc chắn lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ dự án thủy điện hiện có trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đánh giá về hoạt động cứu hộ vừa qua, các ban ngành tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thành công nhờ vào chỉ đạo quyết đoán, phối hợp tốt, nỗ lực giữa các lực lượng cứu hộ (với sự tham gia của 21 đơn vị, cùng số lượng hơn 600 người). 

Đặc biệt, phương án khoan đường ống để bơm ô xy vào trong cho các nạn nhân đã đặc biệt thành công, vì chỉ cần chậm thêm một ngày tính mạng 12 công nhân sẽ nguy cấp.

 Tuy vậy, một số bất cập trong quá trình cứu hộ cũng đã được đưa ra để các lực lượng cùng rút kinh nghiệm. Ví dụ như lúc đầu nguồn điện quá yếu lực lượng cứu hộ không thể khoan hầm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhận định, lúc đầu khi xảy ra sự cố, kể cả chỉ huy, các lực lượng tham gia cứu hộ và các cơ quan, đơn vị tham mưu còn lúng túng, sự chỉ huy chưa được thống nhất, phân công các phần việc còn chưa khớp. Sau đó chúng ta đã rút kinh nghiệm, bình tĩnh hơn, có kế hoạch kịp thời hơn để chủ động phân công. 

“Thời gian tới tỉnh cần tăng cường bổ sung những trang thiết bị cứu hộ, để ứng phó kịp thời với những sự cố xảy ra”, ông Việt nói.

Ai kiểm tra, giám sát dự án

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trước thời điểm hầm thủy điện Đạ Dâng đổ sập, ông Nguyễn Hữu Tâm, GĐ Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: Theo quy định, thủy điện Đạ Dâng là công trình công nghiệp, lại về lĩnh vực điện nên quản lý ngành thuộc ngành Công Thương. 

Chủ đầu tư phải báo cáo toàn bộ dự án, các đơn vị tham gia và các vấn đề liên quan lên Sở Công Thương để báo cáo tỉnh và tỉnh báo cáo Bộ Công Thương. Khi có báo cáo, tỉnh mới giao cho đơn vị nào chủ trì xử lý hậu sự cố. 

“Chất lượng và thi công là Bộ Công Thương và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nhà nước chỉ là hướng dẫn thực hiện và kiểm tra khi có sự cố. Còn việc giám sát thì chủ đầu tư đã thuê đơn vị giám sát thi công, làm sao cơ quan quản lý nhà nước đi giám sát được”, ông Tâm nói về trách nhiệm của Sở Xây dựng. 

Rồi ông Tâm nói, muốn biết rõ phân công trách nhiệm thế nào hãy xem điều 41, 42, 43 Nghị định 15/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Chiều tối 22/12, phóng viên đã nhiều lần tìm cách liên lạc qua điện thoại với ông Huỳnh Ngọc Cảnh, GĐ Sở Công Thương Lâm Đồng. Tuy nhiên, ông Cảnh không nghe máy.

Kết thúc cuộc họp của tỉnh Lâm Đồng, các phóng viên đã đợi gặp ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ TCty Vietracimex để hỏi về trách nhiệm chủ đầu tư, việc thi công trở lại sau thời gian tạm dừng có khảo sát trước hay không; công ty Trung Quốc là tư vấn thiết kế… Tuy nhiên, ban đầu ông Thăng đồng ý trả lời, rồi bất ngờ đổi ý, chỉ hứa sẽ tổ chức họp báo tại Hà Nội vào hôm nay (23/12).