Không chọn thi Sử, không thích học Sử - Hai chuyện khác nhau
Nhiều cựu học sinh Chu Văn An (Hà Nội) sau khi ra trường đã làm kỹ sư, bác sỹ, nhà báo… khi gặp lại thầy giáo cũ dạy Sử đều bày tỏ tình cảm với bộ môn Sử. Có em thổ lộ: Bây giờ đi làm rồi em mới thấy giỏi Sử là cần thiết… Giá lúc đó…
Ý nói: Em học Sử chăm chỉ và nghiêm túc hơn thì tốt biết bao nhiêu!...Một sự nuối tiếc! Ngộ ra điều này thật là đáng quý… Con trai tôi không chọn thi ngành Sử nhưng cháu rất yêu thích Sử và có kiến thức khá vững về Sử.
Cháu sinh năm Nhâm Tuất 1982, năm 1990 mới học lớp 2 Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đạt giải cuộc thi Tìm hiểu lịch sử của báo Thiếu niên Tiền Phong.
Nhưng cháu không chọn thi ngành Sử mà vào Đại học Bách Khoa, chuyên ngành Kỹ thuật Điều khiển tự động. Đã là kỹ sư ngót chục năm nay, đến giờ vẫn thích đọc Sử, có khi còn tranh luận về lịch sử với cả tôi nữa…
Khán giả truyền hình khi xem phim Tam Quốc, Thủy Hử…. Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ… mà có kiến thức Sử Việt Nam và Sử thế giới thì thú vị biết bao nhiêu.
Đó là một phần thưởng tinh thần vô giá, món quà hạnh phúc mà cuộc sống đã ban tặng cho bạn, bạn chiêm nghiệm suy tưởng về lịch sử đó là một niềm vui sáng tạo tinh thần.
Năm 1960, tôi còn là cậu sinh viên năm thứ nhất khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có được nghe Giáo sư Hiệu trưởng nhà trường - thầy Phạm Huy Thông nói chuyện.
Thầy “đả thông” tư tưởng cho các tân sinh viên, tôi nhớ nhất là câu: Học Sử khôn người! Là học cái túi khôn của thiên hạ. Đến nay tôi càng thấu hiểu cái thâm thúy của câu nói đó.
Hiểu quá khứ, sẽ bổ ích cho hiện tại, thấy được bài học của quá khứ, cái thành công hay thất bại của tiền nhân để hành động cho hiện tại, xây nền đắp móng cho tương lai. Người có kiến thức Sử sâu rộng ắt có tầm nhìn xa rộng hơn!
Như vậy nghĩa là học sinh không chọn thi môn Sử và không thích học Sử là hai chuyện khác nhau. Thích Sử là nguyện vọng cá nhân. Còn không chọn thi tốt nghiệp Sử là yêu cầu của bản thân.
Học sinh thi vào Đại học Khoa học Tự nhiên thì chọn thi khối A là đương nhiên hợp lý, hợp tình, cớ gì mà đổ tội cho môn Sử. Ở đây có điều gì đó không khách quan, không hợp lý và không công bằng.
Không chọn thi môn Sử nhưng vẫn học giỏi Sử
Cô nữ sinh Nguyễn Thùy Linh - Cựu học sinh Chu Văn An năm 2000, đạt giải nhất Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Nhưng sau đó Linh không thi vào Khoa Sử của Đại học Quốc gia Hà Nội mà lại học Trường Đại học Ngoại thương. Đó là nguyện vọng cá nhân của Linh…
Còn nam sinh Phạm Văn Thành, giải ba Lịch sử quốc gia năm 1998 thì lại học ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền rồi về làm ở Đài truyền hình Việt Nam, một biên tập viên xông pha và năng nổ.
Còn phải kể đến các bạn trẻ Phạm Cẩm Nhung, Hoàng Trang và nhiều phóng viên của nhà đài… đều là cựu học sinh Chu Văn An. Nêu những ví dụ trên đây để làm sáng tỏ một điều là đừng thấy học sinh lớp 12 năm 2014 không tự chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử mà chúng ta thiên lệch, không khách quan, không bình tĩnh trong đánh giá bộ môn Lịch sử.
Có thể thấy việc học sinh không chọn thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nhiều lý do. Không nên đổ hết “tội vạ” cho thầy, đổ lỗi cho trò mà ở đây còn có yếu tố xã hội nữa.
Nếu nhu cầu xã hội cần nhiều cử nhân Sử học, nếu học Sử xin việc dễ, lương cao thì sẽ có nhiều người đua chen vào học Sử. Quy luật cung - cầu, vậy nên xem đây là một hiện tượng bình thường, không nên quá lời, nâng quan điểm.
NGƯT. Hoàng Năng Định