Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhờ các dự án cấp nước xã hội hóa, mở rộng mạng cấp nước tới các hộ dân, đến nay nguồn nước sạch của thành phố đã được bổ sung khoảng 623.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước lên 1.520.000m3/ngày đêm.
Dự kiến, thời gian nắng nóng cao điểm hè, nhu cầu sử dụng nước khoảng 1.250.000 m3/ngày đêm (tăng khoảng 10%). Tổng công suất các nguồn cấp hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch, đồng thời dự trữ cho mạng lưới cấp nước nông thôn.
Từ cuối năm 2019, đã có 5 dự án cấp nguồn hoàn thành. Hiện đã vận hành trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (có bể chứa 30.000m3/ngày đêm) và đấu nối bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống với công suất 300.000m3/ngày đêm cho khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, nên nếu đường ống số 1 nước sạch sông Đà gặp sự cố thì thời gian cấp nước ổn định trở lại cho người dân khu vực sử dụng nguồn nước mặt sông Đà (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông…) sẽ được rút ngắn xuống khoảng 1 ngày.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, tới đây, Sở tiếp tục thúc tiến độ thi công, hoàn thành các dự án cấp nguồn nước tập trung trong năm 2020 - 2021 đối với 4 dự án, nâng tổng công suất cấp cho hệ thống lên gần 2 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, Công ty CP Nước mặt sông Hồng hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 150.000 m3/ngày đêm; Công ty CP Nước sạch sông Đà (Viwasupco) thực hiện dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, nâng tổng công suất lên 450.000m3/ngày đêm; Liên danh Công ty CP Ao Vua và Công ty CP Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì hoàn thành dự án nâng công suất nhà máy nước Ba Vì từ 10.000m3/ngày đêm lên 60.000m3/ngày, đêm (hoàn thành trong năm 2020); Công ty CP Cấp nước Mê Linh hoàn thành dự án xây dựng nhà máy nước 25.000m3/ngày đêm cấp nước cho 12 xã của huyện Mê Linh (hoàn thành trong năm 2020).
Nguồn nước sông Đà vẫn bấp bênh
Theo Công ty CP Nước sạch sông Đà (Viwasupco), khoảng 18h ngày 10/5, đường ống nước sạch Sông Đà vừa bị vỡ tại Km 22 Đại lộ Thăng Long, đoạn qua xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội. Đến 4h sáng 11/5, sự cố này được khắc phục. Tuy nhiên, để các khu vực cuối nguồn nước sông Đà có nước thì vẫn phải mất 3-4 ngày. Trước đó, riêng năm 2019, đường ống nước sạch sông Đà vỡ đến 4 lần, đều ở đoạn qua Đại lộ Thăng Long.
Về việc mất nước vừa xảy ra đầu hè, đại diện Viwasupco nói rằng, đường ống sửa chỉ mất 4 tiếng nhưng việc mất nước cục bộ xảy ra do các đại lý phân phối nước. Cụ thể, từ khi có trạm bơm tăng áp Tây Mỗ, các đại lý bán lẻ chủ quan, phụ thuộc vào hệ thống bơm này, không vận hành trạm bơm trong mạng lưới phân phối đến các hộ dân nữa. Do đó, khi sự cố xảy ra, một số hộ dân ở khu vực cuối nguồn, địa hình cao sẽ bị mất nước trong một thời gian.
Về việc đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước sau sự cố đổ dầu thải xuống suối Trầm (tỉnh Hòa Bình), ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của hoảng 250.000 hộ dân Tây Nam Hà Nội, đại diện Viwasupco cho biết, hiện Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu thường kỳ, đột xuất để kiểm tra chất lượng nước nên có thể yên tâm về việc này.
Ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình), cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu Viwasupco có những biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước dẫn vào nhà máy. Đồng thời ban hành các phương án đảm bảo an toàn cho các vùng bảo hộ quanh khu vực lấy nước của nhà máy nước sạch sông Đà.
Tuy nhiên, đề xuất của tỉnh về việc xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy, không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài để sản xuất nước sạch vẫn chưa được triển khai. “Việc này phải thông qua Bộ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, phức tạp và cần phải có thời gian”, lãnh đạo Sở TN&MT Hòa Bình nói.