Theo ông Tuấn, việc nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư vào nông nghiệp (NN) là một tín hiệu rất mừng, nhưng làm sao để duy trì được xung lực đó, nhưng không để tác động xấu đến nông dân? Vì nếu không khéo, các DN vào chỉ lo lấy đất, và khi làm mô hình khép kín, có thể họ không thích “chơi” với nông dân nhỏ nữa.
Do vậy, ông Tuấn cho rằng, với nông dân, để hợp tác với DN, họ phải tiến tới chuyên nghiệp để sống được bằng nghề nông. Nông dân phải được tập hợp thành tổ, hoặc HTX, có đại điện, tiếng nói để “chơi” sòng phẳng với DN khi liên kết làm ăn.
Cùng đó, phải để nông dân có tiếng nói trong hiệp hội ngành hàng, được hỗ trợ về khuyến nông, tín dụng… Còn những nông dân “không chuyên nghiệp” được, có thể chuyển đổi nghề, tham gia cung cấp một số dịch vụ đầu vào, ra cho DN. Có thể có cơ chế để nông dân góp cổ phần vào DN hoặc tham gia vào thị trường cho thuê đất.
Ông Tuấn cho rằng, thời làm hàng rẻ, ăn xổi, giá trị thấp đã hết. DN đầu tư là tính đến 30-50 năm. Do vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước có chọn lựa, định hướng, nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông sản, có lợi cho nông dân.
“Không hẳn tự nhiên, mình chuyển sang nền nông nghiệp hiện đại ngay được. Phải có cú hích về chính sách, hoặc thị trường mới đổi thay được. Việc này, cần tính toán kỹ để can thiệp về chính sách, để có điểm rơi”- ông Tuấn nói.