Diễn dịch lối so sánh đó, bệnh ghẻ ruồi ở xã hội ngày nay nhiều không kể xiết, việc “ăn” tiền gửi xe ở cơ quan công quyền chỉ là ví dụ nhỏ. Có lẽ vì thế nên khi phóng viên Tiền Phong thực hiện các bài viết về việc “ăn” tiền ở cơ quan công quyền qua dịch vụ gửi xe, nhiều chuyên gia, nhà cầm quyền gạt đi rồi nói: “Vài ba nghìn, chuyện nhỏ, bàn làm chi”. Thậm chí những người phải trả 3 hay 5 nghìn đồng cho mỗi lượt gửi xe cũng không buồn cãi cự vì “để thời gian làm việc khác”. Mặc dù, ai cũng nói, việc bị mất 3 hay 5 nghìn là cực kỳ khó chịu; nghe loa phát miễn phí mà vẫn thò tay lấy tiền là lừa dối, đánh mất niềm tin.
Vậy thủ phạm – người cầm những đồng tiền lẻ đó thì sao? Nghĩ đến đây, chợt nhớ anh chàng Akaky trong truyện ngắn “Chiếc áo khoác” của nhà văn Gogol (Nga). Anh ta tằn tiện trong thời gian dài mua được chiếc áo khoác để khoe mẽ với đồng nghiệp. Mới mặc được lần thứ 2, sau buổi lễ sinh nhật đồng nghiệp, anh bị cướp mất áo, sầu não, sinh bệnh mà chết.
Câu chuyện của những con người nhỏ bé, tằn tiện tiền lương như Akaky sẽ không khiến chúng ta phải quá trăn trở trong bối cảnh hiện nay? Việc bảo vệ thu tiền xe công khai, hộp đựng tiền đặt ngay giữa cổng ra vào, lãnh đạo đơn vị đều biết mà không đả động, coi như một cơn ngứa thoáng qua lại là chuyện khác. Việc công chức cấp dưới nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ, nộp “tô”, nộp “thuế” bằng tiền chẵn, hàng tuần hàng tháng lên quan trên diễn ra không ít trong đời sống hiện nay. Lúc này, căn bệnh xã hội không còn là ghẻ ruồi mà đã trở thành trọng bệnh. Đây cũng là câu chuyện trên nóng dưới lạnh, lỗi không còn của cá nhân mà mang tính hệ thống… được đề cập hôm nay.
Đất nước đang đà phát triển, đời thực và mạng xã hội đầy những chuyện dối gian, lừa gạt, ghẻ ruồi có cơ lây nhiễm. Nhưng khu vực công quyền, cơ quan nhà nước phải là nơi trong sạch, nếu phát hiện, cần khoanh vùng, bôi thuốc để chữa trị ngay. Một chiếc camera mấy trăm ngàn đồng cùng một cán bộ mẫn cán, công tâm giám sát hình ảnh từ camera đó cũng có thể trị được nạn tham nhũng vặt này.