Cho phép thí điểm chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ

TPO - Chiều 28/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.

Báo cáo tiếp thu giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các nguyên tắc, tiêu chí về cam kết bảo đảm tiến độ, trách nhiệm phối hợp của các địa phương trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án; năng lực quản lý dự án của địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, pháp luật về xây dựng, đầu tư công không quy định về tiêu chí năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án của cơ quan chủ quản. Theo pháp luật về xây dựng, các dự án sẽ được giao cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện dự án. Do đó, tiến độ, chất lượng của dự án có bảo đảm yêu cầu hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực của các cơ quan, tổ chức này.

Các đại biểu biểu quyết thông qua dự án luật. Ảnh Như Ý

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đã quy định UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo pháp luật về xây dựng.

Về tỷ lệ vốn nhà nước,có ý kiến đề nghị rà soát thống nhất với cơ chế, đặc thù áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh, quy định trường hợp chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án thì HĐND thành phố xem xét quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư.

UBTVQH cho biết, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt nên việc triển khai thực hiện dự án đều có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn. Do đó việc cho phép HĐND thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng theo cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ không bảo đảm được phương án tài chính cho dự án. Mặc dù vậy, Nghị quyết vừa được thông qua đã quy định rõ mức tối đa của từng dự án.

Cũng theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 70% hoặc 80% tổng mức đầu tư để bảo đảm phương án tài chính cho các khu vực khó khăn, lưu lượng xe thấp cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo UBTVQH, báo cáo của Chính phủ các dự án PPP đề xuất thí điểm đã được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án này gặp khó khăn, vướng mắc trong việc huy động vốn tín dụng tham gia đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng hoàn thành dự án và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đã dự kiến bố trí cho dự án.

Xét tính cấp thiết, quan trọng của dự án đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng, trong bối cảnh việc huy động vốn ngoài ngân sách tham gia các dự án PPP gặp nhiều khó khăn, đề xuất của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư để bảo đảm tính khả thi của các dự án này là có cơ sở.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án.