Chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 ở ‘điểm nóng’ Bình Dương ra sao?

TPO - Công nhân lao động bị ảnh hưởng rất lớn trước diễn biến của dịch COVID-19, Bình Dương đã triển khai những chính sách gì và làm thế nào để nhận hỗ trợ?.

Linh động các chính sách, mở rộng phạm vi đối tượng

Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, người lao động đang làm việc tại tỉnh Bình Dương. Để kịp thời hỗ trợ các nhóm đối tượng, Bình Dương ngoài việc triển khai chính sách theo Nghị quyết của Chính phủ ban hành còn có chính sách riêng của địa phương.

Cụ thể, Bình Dương đang triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất và 1 thủ tục do người lao động nộp hồ sơ là hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bình Dương đang triển khai chính sách hỗ trợ người lao động

Đối với chính sách này, số đơn vị được giảm mức đóng là 14.363 đơn vị cho 1.011.890 lao động, với tổng số tiền là 397,002 tỷ đồng.

Đối với chính sách của địa phương, Bình Dương triển khai Nghị quyết 04 hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, người lao động một lần, trong tháng 8 là 300.000 đồng/người. Các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng cũng được hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/người nhưng không quá 800.000 đồng/tháng.

Người bị mắc COVID-19 tử vong hỗ trợ mai táng phí với mức hỗ trợ là tối thiểu là 20 triệu đồng/người. Trường hợp người bị mắc COVID-19 tử vong mà không có thân nhân thì các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ tiến hành công việc hỏa táng và làm các thủ tục thanh toán tại UBND cấp xã nơi cơ sở y tế điều trị bệnh nhân trú đóng.

Thực hiện Nghị quyết 09 của tỉnh Bình Dương với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), có 29.672 người được hỗ trợ, số tiền 44,508 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần (chỉ áp dụng một lần duy nhất).

Quá trình triển khai Nghị quyết này, Bình Dương đối chiếu dữ liệu phát hiện còn khoảng 109.000 người chưa tham gia bảo hiểm xã hội đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Bình Dương không thực hiện ký hợp đồng lao động và chưa tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn cần hỗ trợ. Đây là số lượng rất lớn, khoảng gần 10% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở Bình Dương.

Sau khi xem xét, Bình Dương quyết định hỗ trợ số lao động thuộc diện này bằng ngân sách địa phương. Việc này đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Bình Dương đã triển khai gói 260 tỉ đồng để hỗ trợ cho khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại địa phương trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài các chính sách, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bình Dương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho người dân, công nhân với tổng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Đồng thời, giảm tiền điện, nước sạch cho người dân.

Làm thế nào để nhận chính sách?

Theo hướng dẫn, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) phải phối hợp với các khu phố, ấp và chủ nhà trọ để lập danh sách những đối tượng được hưởng để nhận tiền hỗ trợ. Sau khi danh sách được xác minh chính xác, đối tượng thuộc diện được hỗ trợ tùy theo chính sách để nhận theo 2 cách (khu phố đến tận nơi phát và người dân trực tiếp đến xã, phường nhận).

Đối với công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ” thì được hưởng các chính sách hiện hành của doanh nghiệp, còn lao động tự do thì được hưởng các chế độ hỗ trợ do Sở LĐ-TB-XH Bình Dương chi trả.

Các chính sách sẽ được mang đến tận nơi người nhận và tại UBND xã, phường tùy vào điều kiện

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể đối tượng, điều kiện được hưởng. Việc hỗ trợ phải kịp thời, nhanh chóng và đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch; tránh hiện tượng so bì, trục lợi chính sách.​ Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, đã giải ngân tiền hỗ trợ theo các chính sách về cho địa phương và đang triển khai thực hiện.

Đối tượng được hưởng chính sách hoặc khiếu nại, phản ánh liên hệ qua các đầu mối, gồm: Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người lao động ngừng việc (085 442 9898; 0888 48 9191); Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (0886 47 9191)

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động và hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (0819 63 8585); Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em (0909 40 9988); Tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo (082 609 9898).