Sáng 29/5, là người phát biểu đầu tiên tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói rằng, đến nay Việt Nam “có thể yên tâm công bố hết COVID-19”, bởi đã hội tụ đủ yếu tố cần thiết. Khi không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Đề cập y tế cơ sở, ông Hiếu, cho rằng, sự bất hợp lý về chính sách đã “bóp nghẹt” sự phát triển của các trạm y tế xã phường. “Không lý gì cùng là một bệnh nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp giá 100 đồng/viên, còn lên tỉnh, huyện lại được cấp viên thuốc đắt tiền hơn. Một đêm trực tiền thù lao chẳng đáng là bao; khám một bệnh nhân được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi”, ông Hiếu bày tỏ.
“Đề nghị giao UBND tỉnh quyết định mô hình các trung tâm y tế phù hợp đặc điểm, tình hình của từng địa phương và giao Bộ Y tế quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính để chuyển trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở hiện nay dù bao phủ rộng khắp, song “chưa đáp ứng được nhu cầu”. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở cho thấy sự quá tải, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ.
Cùng với đó, chính sách tinh giản biên chế khiến nhân lực cho y tế cơ sở không đảm bảo. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường không về công tác tại y tế cơ sở, điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học để nâng cao trình độ cũng rất khó khăn. “Với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10 - 15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sỹ làm việc”, bà Nhi cảnh báo.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phản ánh, hiện chế độ tiền lương của nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004, còn chế độ phụ cấp tại các nghị định của Chính phủ cũng đã được ban hành hơn 10 năm trước. “Như vậy, đây không phải kết quả đạt được, mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến cơ sở”, bà Hà nhận định.
Theo bà, vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định, áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở, nhưng thời gian áp dụng cũng chỉ đến hết năm 2023, từ năm 2024 thì chưa rõ phụ cấp của nhân viên y tế được điều chỉnh như thế nào. “Tôi đề nghị đưa nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở”, bà Hà nói.
Cần thử nghiệm mô hình mới
Đề cập giải pháp để y tế cơ sở không bị teo tóp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần thử nghiệm một mô hình mới, coi các trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế quận huyện. “Khi đã vận hành trơn tru, chúng ta sẽ tiến lên một bước nữa - phối hợp giữa bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Các bác sỹ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm việc định kỳ trong tuần, những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông thực sự”, ông Hiếu nêu.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông Huy cũng đề nghị quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.
“Chúng tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho đơn vị y tế cơ sở, chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.