Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Chính phủ liêm chính không có chỗ cho cán bộ tiêu cực

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã cam kết và nỗ lực xây dựng một Chính phủ cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. 
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

Điều đó giúp Chính phủ cách mạng non trẻ nhận được sự tin tưởng của người dân, cùng đoàn kết, đấu tranh và giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm

Vì sao ngay sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng một Chính phủ liêm chính để phục vụ người dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng, thưa ông?

Xây dựng Chính phủ liêm chính vì dân...tinh thần ấy đã được thể hiện ngay sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ở phiên họp lâm thời đầu tiên ngày 3/9/1945, vấn đề củng cố chính quyền theo hướng Nhà nước dân chủ, Nhà nước thật sự vì dân đã được Hồ Chí Minh nêu ra. Đặc biệt, sau một tháng giành được độc lập, trong bộ máy chính quyền của chúng ta, bên cạnh những tích cực cũng bộc lộ một số những tiêu cực, hạn chế, biểu hiện ở tình trạng “vác mặt làm quan cách mạng”, xa dân ở một số cấp chính quyền. Vì thế, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải gửi thư cho UBND các cấp, phê phán gay gắt căn bệnh tiêu cực trong bộ máy như tình trạng cậy thế, cậy chức quyền, vun vén cá nhân, kiêu ngạo, chia rẽ...

“Chính phủ hành động phải luôn lấy lợi ích của dân, của đất nước là điều tối thượng. Bởi nếu không vì dân thì Chính phủ không có lý do gì để tồn tại. Đây cũng chính là bản chất của Nhà nước mà tư tưởng của Bác Hồ ngay từ ngày đầu của Chính quyền Cách mạng đã nói hết sức sâu sắc”. 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Thứ hai, Bác phê phán thái độ của những người trong bộ máy chính quyền, nhất là thái độ “vác mặt làm quan cách mạng”, khinh dân, dùng quyền lực cai trị dân, hành dân… Bác khẳng định, chính quyền của ta do nhân dân gây dựng ra nên cán bộ phải là những người gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Bác cũng yêu cầu chính quyền các cấp, lãnh đạo các cấp ra sức phụng sự nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.

Chính tư tưởng quan trọng đó đã kịp thời uốn nắn, sửa chữa những sai lầm khuyết điểm ở chính quyền các cấp, từ đó tạo ra được sự tin tưởng, sự gắn kết trong mỗi người dân. Nhờ đó, huy động được sức mạnh đoàn kết tổng hợp của toàn dân tộc vào công cuộc dựng nước và giữ nước.

Nhưng thời gian gần đây, dù Đảng đã có những chỉ thị về việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng ở đâu đó vẫn còn tình trạng cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp?

Điều đó được thể hiện rõ qua thực trạng tham nhũng, lãng phí, thờ ơ, vô cảm với dân. Thậm chí có nơi, có cấp, lãnh đạo còn thể hiện sự hống hách, coi thường dân, vô trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân. Bác nói cán bộ là công bộc của dân, nhưng thực tế ngày nay, không ít cán bộ chỉ lo vun vén cá nhân, cho gia đình, cho vây cánh… Thực trạng trên dẫn đến việc người dân ngày càng thiếu lòng tin với chính quyền.

Xử lý, thay thế ngay cán bộ cửa quyền

Trước thực tế trên, ông nhìn nhận thế nào về quan điểm xây dựng một Chính phủ liêm chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức đã nêu ra?

Bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước phục vụ dân, chứ không phải cai trị dân. Vì thế, ngày nay học Bác, học thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám và mùng 2/9 là phải tiếp tục, nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính. Điều này lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi, vì sự suy thoái của đội ngũ cán bộ đã được Đảng ta chỉ ra từ cách đây khá sớm. Tuy nhiên, muộn còn hơn không và thông điệp mà Thủ tướng đưa ra trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo trong thời điểm này là cần thiết và đúng đắn. Có đi vào những vấn đề đó mới tạo ra được sự thay đổi và kịp thời uốn nắn, sửa chữa và xử lý những hành vi sai trái.

Chính phủ hành động phải luôn lấy lợi ích của dân, của đất nước là điều tối thượng. Bởi nếu không vì dân thì Chính phủ không có lý do gì để tồn tại. Đây cũng chính là bản chất của Nhà nước mà tư tưởng của Bác Hồ ngay từ ngày đầu của Chính quyền Cách mạng đã nói hết sức sâu sắc. Hay như việc xây dựng Chính phủ liêm chính, chúng ta đều biết tham nhũng, cửa quyền là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ. Có xây dựng được một Chính phủ liêm chính, trong sạch, không tham nhũng thì mới đem lại niềm tin cho người dân. Tôi tin nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực mạnh dạn xóa bỏ cái hư hỏng, cũ kỹ lỗi thời sẽ đạt được mục tiêu Đại hội Đảng 12 đề ra.

Để xây dựng được một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo thì yếu tố con người đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bởi suy cho cùng chính sách dù có hay đến đâu, nhưng cán bộ yếu, tiêu cực thì cũng khó mà thực hiện được. Vậy làm sao khắc phục được những hạn chế về công tác cán bộ?

Đúng thế. Cán bộ là khâu quan trọng nhất. Bởi đường lối, chính sách, quy định pháp luật dù có đúng, có phù hợp đến đâu nhưng nếu cán bộ yếu, tiêu cực, không có tư tưởng phục vụ dân thì sẽ phá hỏng tất cả. Do đó, thời gian tới chúng ta phải tập trung nâng cao trình độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thực tế, những chuyện xảy ra vừa qua như tình trạng ô nhiễm môi trường biển, hiệu quả đầu tư kém, nhiều nhà máy nghìn tỷ lãng phí… có nguyên nhân rất lớn từ năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chúng ta cần quan tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Nói thật, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta thời gian qua rất yếu kém, có những chuyện rất nhỏ nhưng lại đẩy lên Thủ tướng giải quyết. Tham nhũng, lãng phí cũng thế, cứ coi đó là trách nhiệm của ai chứ không phải việc của địa phương, cơ quan và cá nhân mình. Tinh thần trách nhiệm đó là hết sức yếu kém nên Chính phủ cần mạnh tay để chấn chỉnh. Những ai có tinh thần trách nhiệm kém cần xử lý, thay thế ngay. Chính phủ cũng phải quyết liệt, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả tình trạng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm…

Có làm được những điều đó thì mới có thể xây dựng thành công một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo.