Thủ tướng: Chính phủ phục vụ chứ không phải hưởng thụ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cán bộ, công chức hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải phục vụ dân đến nơi, đến chốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cán bộ, công chức hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải phục vụ dân đến nơi, đến chốn.
TP - Ngày 17/8, tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016- 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, những người hưởng lương từ tiền thuế của dân và doanh nghiệp phải có trách nhiệm phục vụ đến nơi, đến chốn để mọi người yên tâm sản xuất, kinh doanh, đất nước thịnh cường. Chính phủ phải là Chính phủ phục vụ.

Không để lợi ích nhóm chi phối

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, những năm qua, công tác CCHC tuy đạt được nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Ở một số nơi tình trạng mệnh lệnh hành chính chưa được chấp hành một cách nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả đạt được thấp.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tăng trưởng kinh tế của đất nước là do người dân và doanh nghiệp làm ra. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là ban hành cơ chế chính sách, pháp luật, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ cơ chế, chính sách chưa phù hợp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Cùng với đó, bộ máy từ Trung ương đến cơ sở phải vì lợi ích chung của đất nước, nhân dân, không vì lợi ích nhóm hay bị chi phối bởi lợi ích nhóm. “Liêm chính phải từ các thành viên Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện, xã và phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, dù bất cứ cương vị nào để có lòng tin của nhân dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và toàn bộ bộ máy hành chính cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. 

Đó là yêu cầu với toàn bộ bộ máy. “Đây là mục tiêu, đích đến quan trọng nhất trong công tác CCHC. Công việc này không phải dễ dàng, vì bản chất là làm thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức trách nhiệm của tất cả các cá nhân trong bộ máy công quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu phải giảm cơ chế “xin - cho” trong giải quyết thủ tục hành chính. Chính quyền địa phương cải cách phải quyết liệt, không được “chùn tay”. Cả hệ thống cùng đồng lòng, quyết tâm cải cách, đổi mới, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm và xử lý nghiêm.

“Việc không có gì nhưng vẫn nhũng nhiễu, phải gặp mặt mới giải quyết. Như vậy là làm mất cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhắc lại vụ việc xảy ra ở quán cà phê Xin Chào (Bình Chánh - TP HCM) “Có ý kiến nói rằng đó là việc nhỏ, nhưng việc nhỏ mà không làm cho tốt, còn gây khó cho dân thì Chính phủ còn làm gì?”.

Có trách nhiệm trước đồng tiền, hạt gạo của dân

Theo Thủ tướng, trong CCHC, cán bộ vẫn là khâu quyết định. “Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm. Bộ máy đông mà không mạnh thì chúng ta cải cách thế nào được”, Thủ tướng yêu cầu, mỗi cán bộ phải là công bộc, tận tâm phục vụ và được dân hài lòng. 

Cán bộ biết lo cho dân và doanh nghiệp thì dân vui, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đất nước thịnh cường. Đồng thời giảm thanh tra, kiểm tra, không hình sự hóa vấn đề kinh tế, dân sự. Chỉ những hành vi hủy hoại môi trường, tham ô, tiêu cực thì mới hình sự hóa tuỳ theo mức độ vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường đối thoại với dân, để dân hiểu, dân nghe. “Hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải phục vụ đến nơi, đến chốn. Đừng vô trách nhiệm trong tiêu từng đồng tiền thuế của dân”, Thủ tướng lưu ý Chính phủ phải là Chính phủ phục vụ chứ không phải là Chính phủ hưởng thụ. 

“Không phải dân nộp thuế để ta muốn làm gì thì làm, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công để từng đồng tiền thuế của dân đều sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung. Mọi khoản chi tiêu công do ngân sách nhà nước cấp phải đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần gương mẫu nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và không được vô trách nhiệm trước đồng tiền, hạt gạo của dân.

Thủ tướng yêu cầu, loại bỏ bằng được tiêu cực, nhũng nhiễu. Các thành viên Chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức ở tất cả các cấp chính quyền đều phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch, không vì lợi ích cá nhân. “Việc ích nước lợi dân phải kiên quyết làm, việc chỉ đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình mình thì phải kiên quyết từ chối. Đó là Chính phủ liêm chính”, Thủ tướng nói.

Để làm được điều này, Thủ tướng cho rằng, phải đổi mới mạnh mẽ công tác nhân sự từ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển… Đặc biệt là tuyển cho được người tài vào bộ máy.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, để tạo hiệu quả trong CCHC, bên cạnh việc cải thiện hiệu suất làm việc thì cần phải loại bỏ những người yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức ra khỏi bộ máy để tiến tới cải cách chế độ tiền lương trong dài hạn.

Theo ông Tuyến, thời gian qua thành phố xác định xây dựng chính quyền điện tử gần dân. 100% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn ở thành phố đã triển khai một cửa, tiến tới một cửa liên thông điện tử. “Hồ sơ nào của người dân, doanh nghiệp bị trễ hẹn, thành phố yêu cầu thủ trưởng cơ quan giải quyết ký văn bản xin lỗi người bị ảnh hưởng. Đây không chỉ là một hành vi văn hóa mà còn là cơ chế kiểm soát xem có bao nhiêu hồ sơ trễ hẹn”, ông Tuyến nói.

Thủ tướng xin lỗi việc đoàn xe vào phố cổ Hội An

Thủ tướng nói mình đi bộ hàng cây số trước rồi, xe vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sự việc đoàn xe tháp tùng đi vào phố đi bộ ở Hội An ngày 8/8.

Bộ Công Thương, Thông tin đứng cuối về CCHC

Theo bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2015 được công bố ngày 17/8, ở khối các bộ, ngành đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước (chỉ số 89,42%), thứ hai là Bộ Tài chính (89,21%), hai đơn vị đứng cuối là Bộ Thông tin – Truyền thông (82,04%), Bộ Công Thương (82,19%). Ở nhóm các tỉnh, thành, Đà Nẵng đứng đầu bảng (93,31%), kế đến là Hải Phòng (92,59%), hai địa phương đứng chót bảng là Điện Biên (74,99%), kế tiếp là Cao Bằng (75,83%).

Bộ máy ngày càng phình lớn

Dù cả nước đang ráo riết thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng theo UBND TPHCM, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, bộ máy hành chính công của thành phố tăng bình quân từ 2.900 – 3.800 người. Cụ thể, UBND TPHCM đã có quyết định giao chỉ tiêu sự nghiệp năm 2012 là 114.530 người. Năm 2013, UBND thành phố có quyết định giao chỉ tiêu sự nghiệp là 118.811 người. So với năm 2012, bộ máy tăng thêm 3.005 người. Năm 2014, UBND TPHCM có quyết định giao chỉ tiêu sự nghiệp là 121.798 người. Đến năm 2015, UBND TPHCM có quyết định giao số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là 122.951 người.

Riêng trong năm 2017, UBND TPHCM dự kiến tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố là 131.034 người, tức tăng gần 5.000 người so với con số năm 2015. Theo UBND TPHCM, 4.920 người tăng thêm trong năm 2017 là dùng để bố trí nhân sự cho 31 trường học, 2 bệnh viện thành lập mới theo Nghị quyết của HĐND TPHCM.               

                 Huy Thịnh

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.