Bà Jennifer Robinson, luật sư người Úc của ông Assange, cho biết các nỗ lực ngoại giao và vận động hành lang mạnh mẽ với những cơ quan có thẩm quyền cao nhất tại Mỹ đã giúp ông Assange được tự do, sau khi ông đã ngồi tù 5 năm ở Anh và 7 năm ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở London.
"Khi các quan chức Úc tiếp cận Mỹ, họ biết rằng họ đang hành động với sự ủy quyền của Thủ tướng Úc", bà Robinson nói với báo chí bên ngoài tòa án ở Saipan.
Thủ tướng Albanese khẳng định việc ông Assange được trả tự do là một chiến thắng cho nước Úc trong công tác bảo hộ công dân.
"Công việc này rất phức tạp. Đây chính là trường hợp thể hiện nỗ lực bảo vệ người dân Úc trên toàn thế giới", Thủ tướng Albanese phát biểu trước Quốc hội ngày 26/6.
Ông Assange trở về Úc vào tối qua. Ông đối mặt với mức án tù tối đa 175 năm sau khi bị buộc 17 tội danh vi phạm Đạo luật Gián điệp Mỹ và một tội danh liên quan đến tin tặc. Theo thỏa thuận được tiết lộ hôm 25/6, ông Assange thú nhận tội gián điệp duy nhất và được thả tự do.
Thỏa thuận này đạt được khi Mỹ đối mặt với nhiều thách thức ở Anh về tính hợp pháp của việc dẫn độ Assange, trong khi các nghị sĩ và nhà ngoại giao Úc gây sức ép ở cả Washington và London.
"Tôi muốn cảm ơn Thủ tướng Albanese, các quan chức đã làm việc để Julian được thả. Tôi cũng muốn cảm ơn người Úc đã giúp điều này trở thành hiện thực, bởi nếu không có sự ủng hộ của họ thì sẽ không có không gian chính trị để Julian được tự do", bà Stella, vợ của ông Assange phát biểu ngay sau khi ông đáp xuống sân bay Canberra.
Chục năm trước, dưới thời chính phủ bảo thủ, Canberra không có nhiều ý chí chính trị ủng hộ Assange. Nhưng mọi thứ thay đổi từ năm 2023, khi hàng chục nghị sĩ ủng hộ chiến dịch đưa ông trở về, ông John Shipton, cha của Assange nói với Reuters.
Cựu Phó Thủ tướng Barnaby Joyce là một thành viên trong nhóm chính trị gia liên đảng đã đến Washington vào tháng 9 năm ngoái để vận động hành lang. Hôm qua, Joyce cho biết họ đã nói với Đồi Capitol rằng Úc muốn "hoàn thành việc này", để tránh gây mất tập trung cho quan hệ liên minh an ninh giữa Úc với Mỹ.
Ông Mark Kenny, giáo sư công tác tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Úc và Mỹ trong khuôn khổ đối tác an ninh AUKUS đã giúp thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao.
"Thật kỳ lạ nếu chúng ta ngày càng gần gũi hơn với Mỹ nhưng lại không có mối quan hệ đặc biệt với Washington để có thể vận động và được nhượng bộ với một công dân Úc", GS Kenny nói.