Đó là những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội “xoáy sâu” tại phiên chất vấn các bộ trưởng hôm qua (8/6). Nhưng trên tất cả, tâm điểm chung đều được các đại biểu, Quốc hội và Chính phủ xem như thách thức cho cả hệ thống tài chính và ngân hàng lúc này, là sẽ phải điều hành thế nào để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, đồng thời “ghìm cương” lạm phát.
Thông tin từ nghị trường mới hôm qua cũng chỉ ra: Hiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm 100%. Sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát. Cùng lúc đó, vốn luôn là bài toán loay hoay của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp BĐS khi có tới 44% TPDN phát hành thuộc lĩnh vực này.
Thống kê cho thấy, hiện dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế đã lên tới 11 triệu tỷ đồng. Trong đó, theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng Tư, tổng dư nợ đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2.28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,4% tổng dư nợ nền kinh tế (với tỷ lệ nợ xấu là 1,62% tương đương 37.000 tỷ đồng). Thông tin về một “kênh” nợ khác cũng khiến chúng ta giật mình khi chỉ ra nợ từ khu vực kinh tế tư nhân (khá nhiều trong số đó đều qua phát hành trái phiếu) đã lên tới 51 tỷ USD bằng 130-140% GDP - một con số đáng báo động.
Nói về giải pháp dài hạn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: Để vượt qua bão giá, quản chặt thị trường, cả Bộ Tài chính và NHNN đã xác định phải “sát cánh” để kiểm soát cung tiền ra lưu thông cũng như mạnh tay chấn chỉnh việc phát hành TPDN cả trong doanh nghiệp lẫn các ngân hàng hám lợi đầu cơ. “Bộ Tài chính sẽ thanh tra kiểm tra để xử lý nghiêm, sẽ có những tiêu chí rõ ràng trong phát hành TPDN, như vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, đặc biệt vốn vay từ TPDN cần sử dụng đúng mục đích...”, Bộ trưởng Phớc nói.
Còn với ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay: Dư nợ tín dụng của Việt Nam trên tổng GDP rất lớn, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng, nếu không kiểm soát được. “Đây là lí do khiến NHNN phải điều tiết tăng trưởng tín dụng, không để ở mức tăng quá cao, làm xảy ra những cuộc đua lãi suất huy động vốn giữa các nhà băng”.
Theo một chuyên gia, điều cần làm lúc này, đó là nếu kết hợp rồi thì cả hai lĩnh vực trên phải kết hợp tiếp và tốt hơn nữa, “chia lửa” kiểm soát dòng tiền chảy vào nền kinh tế, vào sản xuất, đầu tư, chứng khoán, BĐS ra sao.“Nền kinh tế luôn cần vốn, như cơ thể cần bơm máu, như máu cần ôxy. Điều quan trọng là phải làm sao cho “tiền vào, tiền ra” hợp lý. Tránh để dòng tiền khi thì rời bỏ ngân hàng, gây “bội thực” trên thị trường chứng khoán, lúc lại rời bỏ chứng khoán không thương tiếc. Có vậy, mới tạo cơ hội để nền kinh tế thực sự hấp thụ vốn tốt, tăng trưởng ổn định lạm phát đi đúng đường ray chúng ta kì vọng”, vị chuyên gia khẳng định.